Hợp tác chống tội phạm tình dục trẻ em trong du lịch

Đại diện các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm ngăn chặn tội phạm tình dục trẻ em.
Ngày 30/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo "Hợp tác khu vực đấu tranh với tội phạm bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch" với sự tham gia của đại diện các cơ quan thực thi pháp luật đến từ Lào, Campuchia và Thái Lan.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết tại Việt Nam, hàng năm lượng khách du lịch nội địa đạt gần 30 triệu lượt khách, trong đó có gần 6 triệu khách là người nước ngoài.

Bên cạnh đó là tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em qua đường du lịch có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nạn nhân chủ yếu là những trẻ em nghèo, lang thang, sống tại những vùng có địa điểm du lịch…

Hiện nay, việc phát hiện, điều tra các vụ án du lịch tình dục trẻ em gặp rất nhiều khó khăn do độ tuổi của các em còn quá nhỏ, tâm lý sợ hãi, nhận thức chưa hoàn thiện nên việc lấy lời khai, chứng cứ thiếu chính xác.

Hệ thống pháp luật chưa có quy định riêng, đầy đủ về tội phạm tình dục trẻ em, nhiều điểm chưa tương thích với luật pháp quốc tế. Một số biện pháp trinh sát, kỹ thuật được pháp luật nhiều nước công nhận, nhưng lại chưa được sử dụng tại Việt Nam.

Trong khi đó, đối tượng phạm tội thường dùng tiền để dàn xếp, thỏa thuận; nhiều điều tra viên còn thiếu, yếu về kinh nghiệm, kỹ năng luật pháp cũng như trong việc nắm vững tâm lý trẻ em…

Theo số liệu của Cục thống kê tội phạm, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Việt Nam trong 5 năm (2007-2011), cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 6.500 vụ với gần 6.800 bị can phạm tội liên quan đến xâm phạm tình dục trẻ em.

Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan thực thi pháp luật đến từ Lào, Campuchia, Thái Lan đã chia sẻ kinh nghiệm nhằm ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Thiếu tướng Kosone Puawade, Phó Cảnh sát trưởng cảnh sát tỉnh khu vực 2 - Cảnh sát Hoàng Gia Thái Lan chia sẻ,  tại Thái Lan, các cảnh sát thường xuyên được trang bị kiến thức về công nghệ thông tin và các biện pháp điều tra mới. Lực lượng cảnh sát đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, khu vực để thu thập thông tin.

Ngoài ra, cảnh sát cũng sử dụng các nguồn tin nặc danh, các nickname trên mạng Internet để phục vụ công tác điều tra…

Trong khi đó, theo ông Brig Gen Yim Verak – Phó vụ trưởng Vụ Phòng chống buôn bán người và Bảo vệ người chưa thành niên Cảnh sát Campuchia, tại các nhà ga, sân bay của nước này thường có các biển cảnh báo về việc xâm hại tình dục trẻ em. Hệ thống pháp luật cũng được thường xuyên rà soát, lấp đầy các chỗ hổng./.

Trần Xuân Tình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục