Chủ động ứng phó

Việt Nam chủ động ứng phó với dịch cúm A/H7N9

Theo các nhà khoa học, virus cúm A/H7N9 hiện có khả năng lây truyền dễ dàng hơn từ gia cầm sang người so với virus cúm A/H5N1.
Dịch cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và gây dịch cao do Việt Nam có đường biên giới trải dài với Trung Quốc.

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh, kế hoạch phòng chống dịch của Việt Nam cũng như nguồn lực trong phòng chống cúm.

- Dịch bệnh cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, ông nhận định như thế nào về nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam?

Ông Trần Đắc Phu: Trong thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh nguy hiểm mới nổi liên tục xuất hiện và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân như dịch cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, chủng virus mới corona, và hiện nay là cúm A/H7N9.

Ở Trung Quốc, dịch cúm A/H7N9 đang diễn ra phức tạp, liên tục gia tăng cả số mắc và phạm vi. Chỉ trong thời gian ngắn, trong vòng hơn 1 tháng đã có 130 trường hợp mắc, 31 trường hợp tử vong tại 11 tỉnh của Trung Quốc, phần lớn là trường hợp nặng và hiện nay cũng chưa rõ nguồn gốc của sự lây truyền, đường lan truyền của bệnh.

Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm; tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập, lan truyền và gây bùng phát dịch rất cao ở Việt Nam nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng bệnh chủ động do đây là chủng virus mới chưa từng gây bệnh cho người, có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm.

Do chưa phát hiện các đàn gia cầm ốm, chết bởi virus cúm A/H7N9 nên khó khăn trong việc kiểm soát dịch trên các đàn gia cầm, thủy cầm. Trong khi đó đặc tính của virus cúm A dễ biến đổi, tính thích nghi cao của chủng virus cúm A/H7N9 ở động vật có vú, nguy cơ lây từ người sang người là có thể xảy ra.

Các nhà khoa học cho rằng virus cúm A/H7N9 hiện nay có khả năng lây truyền dễ dàng hơn từ gia cầm sang người so với virus cúm A/H5N1.

Đặc biệt, đây là chủng virus mới ghi nhận trên người do đó cộng đồng chưa có miễn dịch, chưa có vắc xin phòng bệnh, đồng thời hiện cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi lây sang người dễ bùng phát thành dịch và khó khăn trong điều trị; trong khi đó Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc, việc giao lưu đi lại qua biên giới của người dân rất lớn do đó có thể gia cầm bị nhiễm virus xâm nhập vào Việt Nam qua đường nhập lậu và người dân bị nhiễm bệnh nhập cảnh vào Việt Nam.

Thực tế cũng đã xuất hiện trường hợp mắc bệnh từ vùng lãnh thổ ngoài đại lục Trung Quốc (Đài Loan).

Theo báo cáo của một số nhà khoa học Nhật Bản và Trung Quốc đã phát hiện thấy sự biến đổi gen của virus làm tăng khả năng lây truyền sang người và tiềm ẩn nguy cơ đại dịch.

- Thưa ông, Bộ Y tế đã có kế hoạch phòng, chống dịch như thế nào trướ́c nguy cơ xâm nhập dịch cúm A/H7N9?

Ông Trần Đắc Phu: Ngay từ khi nhận được thông tin về dịch cúm A/H7N9 ghi nhận ở Trung Quốc, Bộ Y tế đã làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) để chia sẻ thông tin về tình hình dịch và các biện pháp phòng chống; trên cơ sở kinh nghiệm phòng chống SARS, cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 và những hoạt động đang triển khai tại Trung Quốc, Bộ Y tế đã ban hành bản Kế hoạch chủ động ứng phó với dịch cúm A/H7N9 với 4 tình huống dịch có thể xảy ra.

Trong đó tình huống 1: chưa có trường hợp bệnh trên người, tình huống 2: có ca bệnh nhưng chưa có sự lây truyền từ người sang người, tình huống 3: có trường hợp ca bệnh lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc ca đơn lẻ, tình huống 4: dịch bùng phát và lan rộng ra cộng đồng.

- Để thực hiện kế hoạch trên, ngành y tế phải huy động nguồn lực như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Đắc Phu: Lãnh đạo Bộ Y tế thường xuyên chỉ đạo các đơn vị xây dựng các kế hoạch một cách cụ thể để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn kinh phí trong nước. tránh sự chồng chéo. Trước mắt, công tác chuẩn bị phòng chống dịch được triển khai quyết liệt nhưng do điều kiện kinh tế Việt Nam còn đang gặp nhiều khó khăn, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương phải bám sát tình hình thực tiễn, thực hiện hiệu quả việc̀ lồng ghép công tác phòng chống dịch với các hoạt động chung của ngành y tế; sử dụng những nguồn kinh phí phòng chống dịch đã được phân bổ từ đầu năm mà chưa đề xuất Chính phủ cấp bổ sung trong thời điểm hiện nay.

[Việt Nam cần 120 triệu USD phòng chống cúm H7N9]

Việc sử dụng trang thiết bị cho việc giám sát như máy đo thân nhiệt từ xa, các hệ thống xét nghiệm xác định virus, các trang thiết bị phục vụ cho công tác điều trị như máy thở, thiết bị cấp cứu tiếp tục sử dụng các trang thiết bị đã được đầu tư trước.

Thực tế trong thời gian qua, ngành Y tế đã sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị này. Trong tháng 4/2013, máy đo thân nhiệt từ xa của các cửa khẩu quốc tế đã giám sát 267.842 lượt khách nhập cảnh, trong đó có 90.654 lượt khách nhập cảnh từ Trung Quốc; đã xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nghi cúm, mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính để sàng lọc nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc cúm A/H7N9 tại Việt Nam.

Để xác định và đưa ra những đề xuất sát với thực tế, trong những ngày qua, Cục Y tế dự phòng đã phối hợp chặt chẽ với WHO và FAO thiết lập các nhóm công tác gồm giám sát, truyền thông, xét nghiệm và nhóm đáp ứng tình trạng khẩn cấp để phối hợp làm việc với các Tiểu ban của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, các đơn vị y tế để đưa ra những đề xuất nhu cầu.

Theo đánh giá của các nhóm công tác, các đề xuất của Cục Y tế dự phòng trong thời gian qua mới chỉ đáp ứng được những yêu cầu cơ bản nhất trong tình huống dịch bùng phát và lan rộng tại Việt Nam và nhu cầu đầu tư đưa ra theo 4 tình huống chỉ là cơ sở để dự đoán và tính toán cho việc chuẩn bị huy động các nguồn lực.

Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu đầu tư cho tình huống 2, 3, 4 mới chỉ là giả định và chưa đòi hỏi đầu tư ngay.

- Ông có thể cho biết cụ thể về việc đầu tư và sử dụng kinh phí phòng chống dịch tại địa phương?

Ông Trần Đắc Phu: Đối với đơn vị y tế tại các khu vực và địa phương, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo áp dụng 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, nguồn lực tại chỗ, con người tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ.

Bộ Y tế chỉ trình Chính phủ cấp bổ sung hỗ trợ khi tình hình dịch vượt quá khả năng dự trữ sẵn có của các địa phương, dịch diễn biến nguy hiểm và kéo dài.

Hiện nay nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể để trình Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt phục vụ cho công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các địa phương, các đơn vị trong ngành y tế phải thực hiện nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí và sử dụng nguồn lực một cách thật hiệu quả theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế./.

Thu Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục