Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Sáng 24/3, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Sáng 24/3, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011).

Trong bối cảnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII sắp kết thúc, nhiệm kỳ khóa XIII sắp bắt đầu và sẽ hoạt động trong khi Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến, đề xuất để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với những đánh giá trong Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội khóa XII trên các khía cạnh. Hoạt động lập pháp tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều tiến bộ cả về số lượng, chất lượng và quy trình, thủ tục; cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Hoạt động giám sát được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề.

Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của đất nước và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế. Tổ chức, bộ máy được củng cố, kiện toàn, từng bước ổn định, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Phương thức, chế độ làm việc từng bước được cải tiến, tăng tính chủ động, sáng tạo, phối hợp tốt hơn giữa các đơn vị, cơ quan hữu quan...

Nhiều đại biểu đánh giá cao bản lĩnh, tính khách quan, trách nhiệm, tính dân chủ và vì dân trong hoạt động của Quốc hội khóa XII.

Đánh giá việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, các đại biểu cho rằng nhìn một cách tổng thể, kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ khóa XII là Quốc hội đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới trong tư duy và thực tiễn hành động.

Nhiều đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những điểm còn hạn chế cả về tổ chức, hoạt động và phương thức, lề lối làm việc của Quốc hội trong đó, đáng quan tâm là về sự thiếu đồng bộ và chưa thực sự hợp lý trong quy trình lập pháp; về hiệu lực, hiệu quả của giám sát; kết quả xem xét, giải quyết kiến nghị sau giám sát; điều kiện hoạt động của đại biểu; mối liên hệ giữa đại biểu với cử tri; hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội...

Theo đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), quy trình xây dựng luật của Quốc hội nên được cải tiến theo hướng dựa trên một quy hoạch đã được nghiên cứu trước, dự báo trước, chủ động tính toán trước các yếu tố. Như vậy, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sẽ không có những vướng mắc như nhiệm kỳ qua, không còn tình trạng đưa và rút dự án ra khỏi chương trình một cách tùy tiện.

Mặt khác, đại biểu Quốc hội còn thiếu thông tin, chậm được tiếp cận với các dự án luật, không đủ thời gian để đọc, thẩm định nên sẽ gặp khó trong việc phản biện, đưa ra ý kiến đóng góp.

Đại biểu cho rằng, nếu có “cơ chế lắng nghe” hợp lý hơn, chắc chắn chất lượng các luật sẽ tốt hơn. Thiếu thông tin cũng khiến cho việc quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia như vấn đề tài chính, ngân sách...của các đại biểu cũng có những khó khăn. Đây cũng là nội dung được các đại biểu đoàn Hà Nội quan tâm như ý kiến của đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội còn bị động, tài liệu gửi cho đại biểu nghiên cứu còn chậm.

Đại biểu cho rằng, phải chăng, Quốc hội có đôi lúc còn dễ dãi với việc chấp hành những quy định của chính Quốc hội đề ra.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều phối hoạt động giám sát một cách nhuần nhuyễn, hợp lý hơn, đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan để không làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ chung.

Bàn về hoạt động giám sát, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội là kênh giám sát rất hiệu quả nhưng trong thực tế còn có nhiều khó khăn do vị trí pháp lý chưa rõ.

Theo đại biểu, cần xây dựng thể chế để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội, có quy định cụ thể để các đại biểu trung ương tham gia ít nhất 1 lần giám sát của đoàn; nghiên cứu lại cơ chế tiếp dân.

Đại biểu cũng cho rằng, tăng số lượng đại biểu chuyên trách ở trung ương là cần thiết nhưng không thể bỏ qua vai trò, kinh nghiệm của các đại biểu địa phương. Nhiều ý kiến đồng tình với đại biểu Vũ Quang Hải khi cho rằng, tăng đại biểu chuyên trách là cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải tăng chất lượng, đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Theo đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh), để đảm bảo yêu cầu này, phải làm tốt khâu lựa chọn nhân sự, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn; tính đến yếu tố am hiểu, gần gũi đời sống người dân của các đại biểu địa phương. Đại biểu chuyên trách ngoài tiêu chuẩn, trình độ, còn cần có bản lĩnh, có tính chuyên nghiệp.

Nhiều đại biểu khác đồng tình với quan điểm một số quy định của Luật hoạt động giám sát còn thiếu cụ thể hoặc chưa thật phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn kịp thời, nhất là cơ chế tiếp thu những kết luận, giải quyết các kiến nghị sau giám sát; thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác đảm bảo cho việc thực hiện các hoạt động giám sát của cá nhân đại biểu Quốc hội cũng còn một số bất cập; thiếu cơ chế hỗ trợ về mặt chuyên môn, bộ máy giúp việc khi tiến hành giám sát.

Đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) chưa hài lòng vì Quốc hội mới dừng lại ở mức đề nghị, kiến nghị xem xét giải quyết đối với những vấn đề trong giám sát.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy dân chủ, nhất là trong tiếp xúc cử tri; khắc phục hiện tượng áp đặt...

Theo đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương cần tích cực đấu tranh, giải quyết những vấn đề liên quan đến cử tri của địa phương mình hơn nữa để Quốc hội thực sự là nơi phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Liên quan tới tổ chức, hoạt động, đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) cho rằng Quốc hội còn nhiều vấn đề chưa làm hết do những hạn chế về bộ máy, biên chế, nhân sự. Đại biểu lấy ví dụ phạm vi hoạt động của mỗi Ủy ban của Quốc hội liên quan tới nhiều Bộ, với biên chế như hiện nay, không thể bao quát hết. Do đó cần tính lại để bảo đảm hoạt động hiệu quả...

Nội dung này sẽ còn được các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận trong phiên toàn thể tại hội trường vào tuần tới./.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục