Sudan ra điều kiện bình thường hóa với Nam Sudan

Việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước phụ thuộc vào cam kết của Nam Sudan về những điều kiện mà chính quyền Sudan đưa ra.
Bộ Ngoại giao Sudan ngày 20/4 tuyên bố nước này đã đặt ra 4 điều kiện để bình thường hóa quan hệ với Nam Sudan. Tuyên bố của Khartoum được đưa ra sau khi nước này khẳng định đã giành lại quyền kiểm soát khu vực giàu dầu mỏ Heglig từ tay Quân đội Giải phóng Nhân dân Nam Sudan (SPLA).

Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Sudan cho biết việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sẽ phụ thuộc vào cam kết của Nam Sudan về những điều kiện mà chính quyền Khartoum đưa ra, bao gồm việc tôn trọng tất cả các thỏa thuận chính thức và không chính thức đã được kí kết, đặc biệt là các thỏa thuận về vấn đề an ninh như thỏa thuận hợp tác và không thù địch được kí kết tại Addis Ababa ngày 10/2 vừa qua.

Ngoài ra, các điều kiện được chính quyền Khartoum đưa ra còn bao gồm việc thừa nhận rõ ràng về phân định biên giới ngày 1/1/1956 theo các thỏa thuận đã ký; Nam Sudan phải chấm dứt các hành động gây hấn và thù địch trên lãnh thổ Sudan, đồng thời rút toàn bộ lực lượng khỏi các bang Blue Nile và Nam Kordofan, ngừng liên hệ và viện trợ cho Phong trào giải phóng nhân dân miền Bắc (SPLM - N); chấm dứt hậu thuẫn cho các phong trào phiến quân tại Darfur.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi Sudan và Nam Sudan nhanh chóng nối lại đàm phán song phương với vai trò trung gian hòa giải của Liên minh châu Phi (AU).

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết ông Ban Ki-moon đặc biệt lưu ý đến tuyên bố rút quân của Chính phủ Nam Sudan, đồng thời kêu gọi chính phủ hai nước nối lại đàm phán dưới sự đỡ đầu của Kênh đối thoại cấp cao AU nhằm giải quyết những bất đồng giữa hai bên. Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng kêu gọi Khartoum và Juba thực thi Cơ chế giám sát và kiểm tra biên giới chung nhằm đảm bảo an ninh tại khu vực biên giới giữa hai nước.

[Căng thẳng tiếp diễn giữa Sudan và Nam Sudan]


Bên cạnh đó, ông Ban Ki-moon cũng nhắc lại lời kêu gọi Chính phủ Sudan ngừng nã pháo và ném bom lãnh thổ Nam Sudan và ngừng hậu thuẫn cho các nhóm phiến quân ở hai nước.

Trước đó, cùng ngày, Chính phủ Nam Sudan đã ra lệnh rút toàn bộ lực lượng khỏi Heglig trong vòng 3 ngày, song vẫn khẳng định chủ quyền đối với khu vực này. Sau lệnh rút quân của Nam Sudan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Mỹ đặc biệt hoan nghênh quyết định này của Juba, đồng thời kêu gọi chính quyền Khartoum ngừng các cuộc tấn công dọc biên giới hai nước, nhằm đưa hai bên trở lại bàn đàm phán./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục