Du lịch hướng về ngàn năm Thăng Long-Hà Nội

Ngành du lịch đang lập ra các tour độc đáo và đặc sắc để chuyển tải giá trị lịch sử, văn hóa, hồn khí Hà Nội cổ kính và hiện đại.
Kinh tế Việt Nam có những dấu hiệu khởi sắc là điều kiện để du lịch lấy lại đà tăng tốc. Quan trọng hơn, đây là dịp để các doanh nghiệp du lịch liên kết cùng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường khu vực.

Năm Du lịch Quốc gia 2010 tại Hà Nội: Hướng về cội nguồn

Thông thường, năm Du lịch Quốc gia tổ chức tại các địa phương có nhiều tiềm năng du lịch nhưng chưa được khai thác. Tuy nhiên, năm nay, ngành du lịch tổ chức Năm du lịch Quốc gia tại Hà Nội để cùng cả nước hướng về dấu mốc lịch sử trọng đại khi trở thành một trong số ít Thủ đô trên thế giới tròn 1.000 năm tuổi.

Để chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, những người làm du lịch đang tạo ra những tour du lịch độc đáo và đặc sắc để chuyển tải những giá trị lịch sử, văn hóa, hồn khí của một Hà Nội cổ kính và hiện đại đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức khảo sát và chuẩn hóa lại các tour du lịch sẽ đưa vào chương trình năm Du lịch Quốc gia 2010 gồm  “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ;" tour võ thuật và “city tour."

Đến với “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ," du khách sẽ được thăm nhiều địa danh của đất nước và khám phá những kinh đô Việt cổ (như Đền Hùng, Cổ Loa, Hoa Lư và Thăng Long) qua các thời kỳ. Đặc biệt, trong hành trình này, ngành du lịch Hà Nội nhấn mạnh đến hai kinh đô có mối liên quan chặt chẽ là Hoa Lư (Ninh Bình) - nơi vua Lý Thái Tổ đã lên ngôi và Thăng Long (Hà Nội) chính là nơi được chọn làm nơi định đô.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng lần đầu tiên xây dựng tour giới thiệu với bạn bè trên thế giới về võ thuật cổ truyền của Việt Nam. Hà Nội là nơi quy tụ rất nhiều võ đường với nhiều môn phái, như võ đường Y võ Thiên Phúc (Tây Hồ) với môn phái Thiếu lâm Vĩnh Xuân, võ đường trong khuôn viên đền thờ Hai Bà Trưng (quận Hai Bà Trưng) với môn phái Võ Lâm Phật Gia, võ đường Khắc Trịnh (quận Thanh Xuân) với môn phái Nam Hồng Sơn. Hiện tour này đã được công ty Vietrans chào bán nhằm quảng bá truyền thống văn hóa, tinh thần thượng võ vốn có của dân tộc.

Du khách có thể tham gia “City tour” một ngày với chủ đề “Thăng Long -Hà Nội, hành trình xuyên lịch sử." Tour này khai thác và kết nối các điểm du lịch tiêu biểu nhưng cũng rất tổng thể của Hà Nội trong suốt chiều dài nghìn năm thông qua các giá trị văn hóa, nhân văn, kiến trúc và xã hội học.

Điểm dừng chân đầu tiên là khu Hoàng thành; tiếp đến là ngôi nhà cổ (87 Mã Mây) đặc trưng của người Hà Nội; đền Bạch Mã - Đông trấn trong Thăng Long tứ trấn; Ô Quan Chưởng - cửa Đông của thành Thăng Long; đền Voi Phục - Tây trấn của thành Thăng Long và các phố cổ, phố cũ của Hà Nội; khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, tượng vua Lê, nhà hát lớn thành phố và thăm khu đô thị mới Mỹ Đình, Trung tâm hội nghị quốc gia và các hệ thống bảo tàng ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm du lịch của cả vùng Bắc Bộ, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng đang tự nghiên cứu hình thành những tour chuyên biệt theo nhu cầu của khách để phục vụ năm Du lịch Quốc gia 2010. Những tour này sẽ góp phần đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển du lịch của Hà Nội với các địa phương. Bên cạnh đó, chuỗi các hoạt động và chương trình tour du lịch trong năm Du lịch Quốc gia sẽ là một trong những nội dung chính cho chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước của Việt Nam năm 2010.

Cần một chương trình xúc tiến du lịch dài hạn

Năm 2009, ngành du lịch kịp phát động chương trình khuyến mãi kích cầu “ấn tượng Việt Nam” nhằm giảm giá tour 30-50% so với trước đó để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Một loạt dịch vụ du lịch, như hàng không giảm giá 60%, các khách sạn, resort giảm giá 30-70%, nhờ đó đã kích cầu du lịch nội địa tăng trưởng mạnh.

Theo thống kê, năm 2009, lượng khách du lịch nội địa đạt 25 triệu lượt người (tăng gần 20% so với năm 2008); khách du lịch quốc tế chỉ đạt 3,8 triệu lượt người (giảm 11,5% so với năm 2008) nhưng tổng doanh thu của toàn ngành năm 2009 vẫn đạt 68.000-70.000 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với năm 2008).

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, năm 2010, ngành du lịch đặt mục tiêu đón khoảng 4,5-4,6 triệu lượt khách quốc tế (tăng từ 18-21%), 27-28 triệu lượt khách du lịch nội địa (tăng khoảng 8-12%). Doanh thu du lịch đạt 75.000-78.000 tỷ đồng (tăng khoảng 7,1%-11,4%).

Để đạt mục tiêu này, chủ trương trong năm 2010 của ngành du lịch vẫn là đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước để phát huy thế mạnh của du lịch nội địa; tập trung xúc tiến quảng bá vào các thị trường khách quốc tế trọng điểm, nâng cao chất lượng dịch vụ và hướng tới khai thác dòng khách có khả năng chi trả cao.

Để đạt mục tiêu này, các doanh nghiệp du lịch khuyến nghị Tổng cục Du lịch triển khai chương trình kích cầu để giữ nhịp tăng trưởng. Theo phản ánh của các doanh nghiệp lữ hành, giá tour đã rục rịch tăng trở lại; như tour có sử dụng máy bay giá tăng 40%, tour đường bộ đã tăng 15%. Như vậy, giá tour trong nước sẽ cao hơn giá tour nước ngoài vì chương trình khuyến mãi của các hãng lữ hành, hàng không Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc... kéo dài trong năm 2010. Điều đó dẫn tới việc khách nội tìm tới các tour du lịch nước ngoài gia tăng.

Trên thực tế, đối với dịp Tết Nguyên đán, khách đăng ký tour đi nước ngoài tăng tới 20-30%, nhiều công ty phải khóa sổ từ trung tuần tháng 1/2010; trong khi các tour du xuân trong nước vẫn “giậm chân tại chỗ." Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng, chính sách kích cầu du lịch không chỉ để có khách, tăng lượng khách mà còn phải giữ được chân du khách. Do vậy, chiến lược khuyến mãi cần phải xuyên suốt, lâu dài và không thể mang tính thời vụ. Mặt khác, để thu hút du khách, các hãng lữ hành, hàng không, dịch vụ cần liên kết để đưa ra giá tour ổn định và nên có những chương trình khuyến mãi, nhất là vào mùa thấp điểm.

Còn theo bà Dương Mai Lan, trưởng phòng nghiên cứu thị trường Vietravel, các công ty lữ hành đều mong muốn có những chương trình khuyến mãi cấp quốc gia để giá tour trong nước có thể cạnh tranh với giá tour các nước trong khu vực. Như vậy, các công ty du lịch sẽ có thêm cơ hội để mang đến nhiều chuyến du lịch và thu hút ngày càng đông du khách trong nước./.

Xuân Cường (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục