Hoàn thiện quy định nhiệm vụ, quyền hạn của QH

Ngày 25/3, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo báo cáo kết quả các nghiên cứu chuyên đề phục vụ việc sửa đổi Hiến pháp 1992.
Ngày 25/3, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo báo cáo kết quả các nghiên cứu chuyên đề phục vụ việc sửa đổi Hiến pháp 1992, bao gồm xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chế định về chính quyền địa phương và quy định về hai thiết chế độc lập (Cơ quan bảo vệ Hiến pháp chuyên trách và Hội đồng bầu cử quốc gia).

Trên cơ sở so sánh, phân tích, đánh giá thực trạng và những nội dung sửa đổi, bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhóm nghiên cứu đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về vị trí, vai trò và chức năng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhóm nghiên cứu nhất trí cao phải đổi mới nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quan điểm xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hai nhóm: nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có được từ sự “ủy quyền lập pháp” của Quốc hội, liên quan đến thực hiện cả ba chức năng của Quốc hội. Nhiệm vụ, quyền hạn “độc lập” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có được từ vị trí đặc thù là cơ quan thường trực của Quốc hội, nhằm bảo đảm và duy trì hoạt động thường xuyên của Quốc hội.

Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan này trong mối quan hệ ủy quyền lập pháp, bao gồm 6 nội dung: về thẩm quyền giải thích Hiến pháp; thẩm quyền giải thích luật; thẩm quyền ban hành văn bản; quyết định địa giới hành chính dưới cấp tỉnh; quyết định nhân sự cấp cao và về thẩm quyền giám sát tối cao.

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Hiến định nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của Quốc hội trong điều kiện Quốc hội chưa hoạt động thường xuyên, nhóm chuyên gia đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng: Không nên quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội mà giữ nguyên như Hiến pháp 1992 bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải là “Quốc hội thu nhỏ,” “cấp trên” các cơ quan của Quốc hội nên không thể và không có khả năng để lãnh đạo các cơ quan này mà giữ vai trò chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Bên cạnh đó, cần bổ sung, cụ thể hóa hơn nữa vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để duy trì hoạt động thường xuyên của Quốc hội bằng cách mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các chủ thể khác có nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến Quốc hội (như Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…) cũng như tạo sự liên kết giữa các đại biểu Quốc hội với nhau và với các thiết chế khác có liên quan.

Nhóm chuyên gia cũng đưa ra những đề xuất liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong mối quan hệ với Chủ tịch nước, với cơ quan hành pháp, các cơ quan tư pháp, cơ quan hiến định độc lập.

Liên quan đến chuyên đề “Chế định về chính quyền địa phương," các chuyên gia kiến nghị Chương Chính quyền địa phương trong Dự thảo chỉ nên quy định 4 điều: Điều thứ 1 về đơn vị hành chính nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng mô hình chính quyền nông thôn, chính quyền đô thị, việc thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Điều thứ 2 về cơ quan chính quyền địa phương, chỉ xác định tên gọi và tính chất của cơ quan đại diện, không xác định tên gọi và tính chất của cơ quan hành chính nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định tên gọi và tính chất của cơ quan hành chính ở các đơn vị hành chính cụ thể.

Điều thứ 3 về phân cấp thẩm quyền giữa trung ương và chính quyền địa phương, không xác định cụ thể các vấn đề do Hội đồng Nhân dân, cơ quan hành chính quyết định nhằm bảo đảm sự linh hoạt trong quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Nhân dân và các cơ quan hành chính ở các đơn vị hành chính. Điều thứ 4 quy định mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở địa phương.

Đề cập hai thiết chế độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Cơ quan bảo vệ Hiến pháp, các chuyên gia cho rằng, việc thành lập Hội đồng bầu cử theo xu hướng của mô hình cơ quan bầu cử độc lập xuất phát từ những ưu điểm vượt trội trên 3 phương diện: Bảo đảm tốt hơn tính độc lập, khách quan, vô tư; bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp của bầu cử; môi trường làm việc thúc đẩy sự hợp tác và tính chuyên nghiệp.

Đồng thời, nêu lên những đề xuất cụ thể về vị trí, tính chất, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, hệ quả pháp lý và hiệu lực các quyết định của cơ quan này. Việc hiến định cơ quan bầu cử quốc gia thể hiện một bước tiến trong lịch sử lập hiến nước ta, thể hiện cam kết dân chủ hóa đời sống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Các chuyên gia cũng kiến nghị xây dựng một cơ quan bảo vệ Hiến pháp chuyên trách, độc lập, thể chế đồng bộ, thống nhất, rõ ràng và phương thức hoạt động mang tính tố tụng Hiến pháp - có thể có tên gọi là Tòa án Hiến pháp, không thuộc hệ thống Tòa án mà là cơ quan độc lập với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, có sứ mệnh bảo vệ Hiến pháp, là cơ quan vừa mang tính chính trị vừa mang tính tài phán Hiến pháp.

Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị tại hội thảo, các báo cáo nghiên cứu chuyên đề sẽ được hoàn thiện để góp phần hỗ trợ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp 1992./.

Thanh Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục