Những kỳ vọng của cử tri Iran trong cuộc bầu cử tới

Cuộc bầu cử tổng thống Iran đã bước vào giai đoạn nước rút khi gần 50,5 triệu cử tri đã sẵn sàng cho việc bỏ phiếu vào ngày 14/6 tới.
Cuộc bầu cử tổng thống Iran đã bước vào giai đoạn nước rút khi gần 50,5 triệu cử tri của quốc gia Hồi giáo này đã sẵn sàng cho việc bỏ phiếu vào ngày 14/6 tới.

Một trong số sáu ứng cử viên, được lựa chọn từ gần 700 người đăng ký tranh cử, sẽ trở thành người thay thế Tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad đã tại vị hai nhiệm kỳ liên tiếp và theo luật định không thể tiếp tục tranh cử.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh quốc gia vùng Vịnh này đang đứng trước bộn bề khó khăn do các đòn trừng phạt kinh tế nghiêm khắc của Mỹ và các nước phương Tây cũng như áp lực quốc tế gia tăng đối với chương trình hạt nhân của nước này.

Trước thềm bầu cử, hai ứng cử viên sáng giá là ông Rahim Mashaie, vốn thân cận với Tổng thống Ahmadinejad, và ông Akbar Hashemi Rafsanjani - một nhân vật thực dụng có ảnh hưởng chính trị và ủng hộ đường lối cải cách, bị loại khỏi danh sách cuối cùng.

Điều này được cho là phù hợp với mong muốn của Đại giáo chủ Ali Khamenei về một cuộc bầu cử "yên bình và trật tự," không xảy ra sự giành giật giữa những người theo đường lối cải cách và những người bảo thủ theo đường lối cứng rắn được vị lãnh tụ tinh thần này ủng hộ.

Hầu hết các ứng cử viên còn lại là những người trung thành với Đại giáo chủ Khamenei. Chính vì thế, dư luận cho rằng cuộc bầu cử dường như sẽ không mang lại thay đổi đáng kể nào cho quốc gia Hồi giáo này khi đa số ứng cử viên bảo thủ chi phối danh sách bầu cử. Vấn đề không phải là ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mà là cách thức mà vị tân tổng thống sẽ giải quyết những thách thức mà quốc gia Hồi giáo này đang phải đối mặt.

Ông Saed Jalili, nhà đàm phán hạt nhân không thỏa hiệp của Iran, hiện được coi là ứng cử viên sáng giá trong số bốn ứng cử viên bảo thủ chạy đua vào chức vụ tổng thống, trong khi Hassan Rowhani - một trong số những người tiền nhiệm của Jalili và là nhân vật có tinh thần hòa giải hơn - lại được những người chủ trương cải cách ủng hộ sau khi cựu Tổng thống ôn hòa Rafsanjani bị loại khỏi danh sách.

Kinh tế và chính sách đối ngoại là hai yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới cuộc bầu cử. Về mặt kinh tế, Iran đang phải vật lộn với khó khăn chồng chất mà các chuyên gia cho rằng không chỉ bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này mà còn do sự quản lý yếu kém của chính phủ.

Tỷ lệ lạm phát trong tháng đầu tiên của năm (từ 21/3-20/4 tính theo lịch Iran) đã lên tới 29,8%; sản lượng xuất khẩu dầu năm 2012 giảm 50%, gây thiệt hại hàng tỷ USD và khiến đồng nội tệ giảm giá.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 14% với hơn 1/4 số người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đánh giá rằng tăng trưởng kinh tế của Iran sẽ giảm gần 1,5% trong tài khóa 2013.

Về vấn đề hạt nhân, việc các nhân vật chống Đại giáo chủ Khamenei bị gạt khỏi danh sách ứng cử cho thấy dường như Tehran quyết tâm theo đuổi chính sách không nhượng bộ trên bàn đàm phán. Phát biểu trước thềm bầu cử, ngoài việc nhấn mạnh những thách thức về kinh tế, ông Khamenei cũng đã cảnh báo các ứng cử viên không được thỏa hiệp với “những kẻ thù phương Tây” có thể gây tổn hại tới lợi ích của nhà nước Hồi giáo.

Trên bàn cờ chính trị khu vực, Iran tích cực trợ giúp về tài chính cũng như quân sự cho chính quyền Damascus nhằm bảo vệ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Việc bảo vệ “người anh em” Syria cũng giúp Iran làm suy yếu vành đai an ninh của Israel và tăng lợi thế với Arập Xêút, đối thủ tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Vì vậy, trong nỗ lực đi đến một thỏa hiệp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài tại Syria, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Iran trên bàn đàm phán.

Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Iran được kỳ vọng có thể là một bước ngoặt để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước cũng như cuộc khủng hoảng quốc tế liên quan đến vấn đề hạt nhân của nước này.

Ông Hassan Rowhani nhấn mạnh rằng: "Mục tiêu đầu tiên của chính phủ kế tiếp ở Iran phải là xây dựng lòng tin của cộng đồng quốc tế và giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước. Tuy vậy, điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng cách giải quyết căng thẳng với tất cả các nước, đặc biệt là các nước láng giềng và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế".

Iran cần một nhà lãnh đạo có uy tín, kiên định và phải được sự ủng hộ rộng rãi của người dân để có thể bảo vệ quyền lợi của đất nước, đồng thời xây dựng một quá trình tương tác hợp lý với các nước trong khu vực cũng như với các nước phương Tây và Mỹ.

Người dân quốc gia vùng Vịnh này hy vọng tổng thống mới có khả năng dẫn dắt đất nước vượt qua tình trạng khó khăn hiện nay và vươn lên phát triển ngang tầm với những tiềm năng to lớn của đất nước./.
 
Trung Kiên-Hữu Chiến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục