Doanh nghiệp Nga đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam

Hoạt động thành công ở Việt Nam có những người khổng lồ của ngành công nghiệp Nga như Zarubezhneft và Gazprom, Rosatom và KamAZ.
Trong năm 2012, các doanh nghiệp Nga đã thực hiện 83 dự án đầu tư tại Việt Nam với vốn đăng ký 924 triệu USD.

Hoạt động thành công trên thị trường Việt Nam có những người khổng lồ của ngành công nghiệp Nga như Zarubezhneft và Gazprom, Rosatom và KamAZ.

Các tập đoàn lớn có mặt chủ yếu trong lĩnh vực khai thác dầu khí, khoáng sản, xây dựng trung tâm nhiệt điện và nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ từ Nga chưa có sự xuất hiện nổi bật như vậy.

Ông Vladimir Yurlov -Giám đốc điều hành Nhà thương mại VK chuyên nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và doanh nhân Victor Lavrenko - lãnh đạo công ty công nghệ Nigma, cách đây không lâu mới bắt tay thực hiện dự án tại Việt Nam. Đánh giá của họ về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam có khá nhiều điểm giống nhau.

Trước khi bắt đầu hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, cần có công tác thẩm định nghiêm túc. Phải nghiên cứu kỹ cả thị trường cũng như đặc thù tổ chức kinh doanh, tâm lý của người Việt. Nigma đã có cách tiếp cận riêng bảo đảm cho mình sự hỗ trợ cần thiết.

Ông Victor Lavrenko cho biết: “Chúng tôi lập công ty tại Mátxcơva và nhận những người Việt ở Nga vào làm. Trước hết, chúng tôi cùng họ làm việc ở Nga, tìm hiểu rõ tình hình Việt Nam, vạch ra những ưu thế cạnh tranh của mình, và chỉ sau đó tất cả mới cùng nhau đến Việt Nam khởi động dự án. Chúng tôi làm việc dễ dàng trên địa bàn mới. Nhiều người Việt Nam tốt nghiệp đại học ở Nga, nói tốt tiếng Nga và có thể nhanh chóng hiểu nhau.”

Kiến thức học vấn đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nhân Yurlov - người có 30 năm làm việc với Việt Nam. Ông là nhà Việt Nam học, tốt nghiệp trường MGIMO, nói tiếng Việt trôi chảy như tiếng Nga. Ông Yurlov cho biết: “Sự thiếu hiểu biết ngôn ngữ và tâm lý tạo nên những trở ngại lớn, gây sự hiểu lầm và khó chịu. Ở Việt Nam có những người Nga gắn bó lâu năm với đất nước và thông thạo tổ chức kinh doanh, cần vận dụng sự tư vấn từ họ.”

Ngoài khoảng cách lớn về đi lại giữa hai nước, chi phí vé cao, các thủ tục không đơn giản về luật doanh nghiệp cũng là yếu tố phức tạp cho việc kinh doanh tại Việt Nam. Chỉ cách đây không lâu, Việt Nam còn đứng ở vị trí thứ 99 trên thế giới về thủ tục lập đề án, xin giấy phép, đóng cửa doanh nghiệp. Sau khi gia nhập WTO năm 2007, điều kiện môi trường đầu tư nước ngoài ở Việt Nam trở nên thuận lợi đáng kể.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân Nga có cơ hội tham gia những ngành như bất động sản, du lịch, kinh doanh nhà hàng và sản xuất đồ nội thất, chế biến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, theo ông Victor Lavrenko, xu hướng có nhu cầu hơn hết là các công nghệ hiện đại.

Doanh nghiệp nước ngoài sẽ không tránh khỏi trở ngại khi cạnh tranh với doanh nghiệp địa phương. Vốn nước ngoài hữu ích khi được đầu tư bằng cách du nhập công nghệ mới, thay vì lấn ép những doanh nghiệp đã có trên thị trường.

Thất bại của các công ty tư nhân Nga thường xuất phát từ thực tế họ không cân nhắc đúng đối thủ cạnh tranh ở địa phương, không đưa ra được sản phẩm hay dịch vụ mới mà họ có thể cung cấp cho thị trường, người dân, cho đất nước.

Việt Nam ngày nay là một địa bàn hứa hẹn đối với các doanh nghiệp công nghệ Nga và có những khu công nghiệp cung cấp điều kiện làm việc thuận lợi.

Tại Việt Nam các công ty Nga như Ashmanov và đối tác Softline đã hoạt động thành công trong nhiều năm, sự phát triển năng động của đất nước mở ra triển vọng lớn cho nhiều hướng kinh doanh công nghệ.

Việt Nam chờ đợi giới doanh nhân Nga cùng nhiều giải pháp mới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục