Gìn giữ và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ

Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Thành Nhà Hồ đang trên hành trình đưa hình ảnh xứ Thanh, đất nước VN ra thế giới.
Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Thành Nhà Hồ đang tiến một bước dài trên hành trình đưa hình ảnh xứ Thanh nói riêng, đất nước, con người Việt Nam nói chung ra thế giới.

Ngoài niềm vui, niềm tự hào đó, các cấp chính quyền và người dân trong vùng di sản cũng đã ý thức được việc chung tay cùng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Cụ Nguyễn Văn Các, năm nay ngót 80 tuổi, ở thôn Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, đã có cả đời sống cạnh thành cổ, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thú vị về Thành Nhà Hồ.

Cụ cho biết, người dân quanh thành đều có ý thức giữ gìn, bảo vệ thành cổ, với riêng cụ Các, hàng ngày cụ vẫn răn dạy cháu con phải có ý thức bảo vệ thành, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, phải lịch sự, hiếu khách và tận tình hướng dẫn cho khách du lịch để giúp họ hiểu hơn về Thành Nhà Hồ.

Mỗi khi có đoàn khách đến thăm Thành Nhà Hồ, cụ Các say sưa giới thiệu với họ Di sản văn hóa thế giới đáng tự hào của xứ Thanh, chỉ cho khách thăm quan vị trí của những phiến đá to nhất, đẹp nhất ở cổng thành phía Đông...

Việc gìn giữ và bảo vệ thành cũng đã và đang được thế hệ trẻ nơi đây chung tay góp sức. Đoàn viên thanh niên 2 xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long vẫn thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh môi trường xung quanh khu vực thành; tổ chức tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, hội viên cũng như người thân để nâng cao ý thức bảo vệ thành, tích cực tham gia các hoạt động quảng bá hình ảnh Thành Nhà Hồ...

Ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy giá trị của di sản, những người dân trong vùng di sản đã tự nguyện tham gia nhiều hoạt động thiết thực. Trên 100 người, già có trẻ có của xã Vĩnh Tiến đã tích cực tham gia các lớp bổ túc tiếng Anh để có thể giao tiếp, giới thiệu với người nước ngoài trong mỗi dịp họ ghé thăm thành.

Lãnh đạo xã Vĩnh Tiến cũng cho biết ngay trong năm nay, xã sẽ dành một phần kinh phí để hỗ trợ việc thăm quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch ở những nơi khác về áp dụng tại địa phương.

Xã Vĩnh Long cũng có kế hoạch và khuyến khích người dân chuyển đổi và tiếp cận với những ngành nghề, dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu mới khi Thành Nhà Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn.

Đến Thành Nhà Hồ những ngày cận kề thời điểm chuẩn bị đón Bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới để cảm nhận sức sống vượt thời gian của kinh đô cổ xưa.

Tại điểm khai quật khảo cổ cửa Nam Thành Nhà Hồ, Di tích Đàn tế Nam giao (di tích vệ tinh của Thành Nhà Hồ), những cán bộ khảo cổ vẫn hối hả làm việc trong cái nắng chói chang của mùa Hè, những mong góp phần công sức của mình để tìm kiếm dưới lớp đất cũ xưa kia những di vật quý giá, những dấu tích kiến trúc để có thêm những chứng cứ thuyết phục trong hành trình mở ra cánh cửa bí mật về sự hình thành, phát triển của di sản Thành Nhà Hồ và vua Hồ Quý Ly.

Những ngả đường từ trung tâm huyện dẫn vào di sản đã được sửa sang khang trang, sạch sẽ, ngăn nắp, băngrôn, khẩu hiệu đã được trang trí đẹp mắt.

Gần 800 nghệ sỹ, diễn viên, học sinh, sinh viên hiện cũng đang gấp rút “chạy đua” với thời gian để hoàn thành chương trình nghệ thuật sân khấu hóa phục vụ lễ đón bằng Di sản với chủ đề “Thành Nhà Hồ-niềm tự hào đất Việt

Trong hội thảo mới đây được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, Tổng cục Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức về “Giải pháp phát huy giá trị Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ,” các nhà quản lý, nhà khoa học đều khẳng định rằng, để bảo tồn, phát huy được giá trị di sản thì chính nhân dân và chính quyền nơi có di sản mới là người bảo vệ tốt nhất.

Không ai có thể làm thay việc đó nếu như nhân dân sở tại không tự giác bảo vệ, chính quyền địa phương không quan tâm và không nhận thức đúng về giá trị của di sản. Vì vậy, việc tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về ý nghĩa và giá trị văn hóa của Thành Nhà Hồ là cực kỳ quan trọng.

Việc phát triển du lịch tại điểm đến di sản Thành Nhà Hồ phải là sự đầu tư toàn diện về thiết chế quản lý, tôn tạo di tích, đầu tư hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ.

Trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải xác định và giữ cho bằng được những giá trị chân xác, để có cách thức tổ chức quản lý và bước đi thích ứng, phù hợp, không được làm biến đổi nét đặc thù của di sản.

Để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiết thực, hiệu quả, đòi hỏi phải có sự thống nhất điều hành của một cấp quản lý hành chính Nhà nước theo hướng gắn kết vai trò của các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà dân. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về mọi mặt cũng cần được quan tâm đúng mức.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp mang tính cấp bách và lâu dài.

Tỉnh tập trung trang bị kiến thức toàn diện về nội dung, giá trị cùng ý thức bảo vệ Di sản dưới nhiều hình thức cho cộng đồng.

Thanh Hóa đầu tư trên 30 tỷ đồng để thực hiện các dự án bảo tồn cấp thiết đối với các di tích vệ tinh phụ cận. Công tác khai quật, khảo cổ tiếp tục được thực hiện để cung cấp tư liệu khoa học cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý lập quy hoạch, từng bước thực hiện việc tu bổ, phục hồi, bảo vệ các hạng mục công trình trên nguyên tắc triệt để tôn trọng những giá trị lịch sử, đồng thời đáp ứng được tiêu chí của một khu du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế.

Tỉnh cũng đang xây dựng tổng thể quy hoạch Thành Nhà Hồ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chú trọng công tác bảo tồn các điểm di tích phụ cận và xúc tiến xây dựng quy hoạch phát triển du lịch cho di sản.../.

Mai Hương-Hoa Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục