Nâng cao trách nhiệm xã hội bền vững ở Việt Nam

Dự án nâng cao năng lực trách nhiệm xã hội bền vững ở Việt Nam do Hoa Kỳ tài trợ sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho 50 nhà máy da giày, may mặc.
Sáng 11/4, tại Hà Nội, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiêm đồng Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững và ông Auret Van Heerden Chủ tịch, Tổng Giám điều hành Hiệp hội Lao động Công bằng (FLA) đã ký kết dự án nâng cao năng lực quản lý trách nhiệm xã hội bền vững tại Việt Nam.

Dự án nâng cao năng lực quản lý trách nhiệm xã hội bền vững tại Việt Nam được triển khai trong 2 năm do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ thông qua Hiệp hội Lao động Công bằng.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là cơ quan chủ quản của dự án, sẽ phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hiệp hội Lao động Công bằng thực hiện dự án tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Đoàn Duy Khương cho biết khi dự án đi vào hoạt động sẽ đóng góp vào mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội ở Việt Nạm trên cơ sở tôn trọng quyền lợi và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, xây dựng văn hóa tuân thủ tại các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may và da giày xuất khẩu, cũng như thúc đẩy tính bền vững của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ kỹ thuật cho 50 nhà máy da giày và may mặc tại sáu tỉnh Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Đồng Nai, Long An và Bình Dương nhằm nâng cao năng lực tự giám sát và làm chủ các sáng kiến tuân thủ của mình thông qua áp dụng thí điểm quy trình kỹ thuật do Hiệp hội Lao động Công bằng xây dựng.

Cụ thể, dự án nâng cao năng lực quản lý trách nhiệm xã hội bền vững tại Việt Nam sẽ đưa ra cách tiếp cận kỹ thuật tiên phong làm thay đổi quan niệm truyền thống về thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.

Đó là chuyển trọng tâm giám sát từ điều tra ép buộc sang phương thức tự giám sát và làm chủ các sáng kiến tuân thủ tại nơi làm việc.

Quy trình kỹ thuật này sẽ giúp các nhà máy phân tích nguyên nhân gốc rễ của hành vi không hoặc chưa tuân thủ để làm chủ quy trình tuân thủ riêng của mình thay vì phải thực hiện các bộ nguyên tắc mà khách hàng áp đặt.

Trong mô hình này, chỉ có nhà máy mong muốn cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và sẵn sàng thể hiện tính minh bạch mới được mời tham gia dự án.

Dự án sẽ tính đến sự tham gia của các đối tác ba bên ở cấp trung ương và địa phương nhằm điều chỉnh và hoàn thiện quy trình tuân thủ bền vững từ đó giúp xây dựng các kết quả và thực tiễn tốt tại các nhà máy và mở rộng tác động của dự án./.

Thúy Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục