Việt Nam cần 20.000 cán bộ phòng chống HIV/AIDS

Ước tính đến năm 2020, Việt Nam cần 20.000 cán bộ y tế là bác sĩ, dược sĩ, xét nghiệm, tư vấn... để phục vụ phòng chống HIV/AIDS.
Ngày 6/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế, tiến sĩ Trịnh Quân Huấn đã chủ trì "Hội thảo Viện, trường về đào tạo cho hệ thống y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS" với sự tham dự của các Bộ, ngành, viện, các tổ chức quốc tế, quốc gia, các giảng viên đại học và các chuyên gia quốc tế.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS Việt Nam, với tốc độ lây nhiễm HIV tiếp tục lan rộng trong cộng đồng, số người mắc mới và số người đã nhiễm HIV tích lũy cần được chăm sóc và điều trị lên đến hàng chục ngàn người.

Ước tính đến năm 2020, Việt Nam cần 20.000 cán bộ y tế là bác sĩ, dược sĩ, xét nghiệm, tư vấn, điều dưỡng viên, cử nhân y tế cộng cộng để phục vụ công tác phòng chống HIV/AIDS. Trong khi nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực y tế dự phòng nói chung và phòng chống HIV/AIDS nói riêng đang thiếu về số lượng, chất lượng, cơ cấu cán bộ chưa hợp lý, cán bộ với đội ngũ cán bộ tuyến tỉnh đến các địa phương chưa đến 1300 cán bộ.

Trung bình mỗi tỉnh, thành chưa đến 21 cán bộ. Số cán bộ ít ỏi trên như "muối bỏ biển," vì vậy vấn đề nguồn nhân lực đang thực sự là bài toán và thách thức lớn chương trình phòng chống HIV Việt Nam từ nay đến năm 2020.

Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chỉ rõ nguyên nhân thiếu cán bộ do công tác y tế dự phòng, trong đó có công tác phòng chống HIV không hấp dẫn và thu hút sinh viên đăng ký thi và nhập học, đa số các trường chưa có kinh nghiệm và hệ thống giáo trình trong đào tạo y tế dự phòng; việc đầu tư cho y tế dự phòng chưa đủ, chưa có hệ thống cơ sở thực hành. Hiện cả nước có 13 cơ sở tham gia đào tạo hàng năm cho 250 người từ trình độ sau đại học đến trung cấp xét nghiệm...

Còn theo tiến sĩ Lưu Ngọc Hoạt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, trường Đại học Y Hà Nội, có trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo HIV/AIDS và từ năm 1994 đến nay đã có hàng chục chương trình nghiên cứu và Đào tạo về HIV/AIDS...

Tuy nhiên chương trình đào tạo về y học dự phòng nói chung và HIV nói riêng đang gặp một số trở ngại như: Nội dung học tập hiện nay đã khá nặng, việc đưa thêm nội dung mới cho sinh viên là một khó khăn; HIV chưa phải là quan tâm lớn nhất của sinh viên trong khi các nội dung giảng dậy bộ môn này lại không đồng bộ, thiếu tính liên kết giữa các bộ môn và thiếu cập nhật thực tế.

Theo tiến sĩ Hoạt cần có cơ chế khuyến khích các bác sĩ nội trú một số chuyên ngành nghiên cứu sâu về HIV; xây dựng cơ sở điều trị ngoại trú tổng hợp tổng thể làm cơ sở thực tập cho sinh viên... Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần thống nhất quản lý y học dự phòng nói chung cho ngành y tế công cộng và không tách nhỏ từng chuyên ngành; đẩy mạnh hợp tác viện trường theo quy chế.

Tiến sĩ Trịnh Quân Huấn kết luận, chúng ta không đào tạo chuyên khoa sâu về từng lĩnh vực mà chỉ đào tạo chuyên ngành y học dự phòng làm cơ bản; tiếp tục đẩy mạnh đào tạo văn bằng 2 song song với đào tạo sau đại học; Bộ Y tế sẽ sớm ra quyết định hình thức tổ chức liên kết đào tạo Viện-Trường; Tạo, tìm học bổng và cơ chế để lôi cuốn sinh viên ngày càng thích thú tham gia học và gắn bó và say mê với y học dự phòng nói chung và phòng chống HIV nói riêng./.

Nhật Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục