Gặp mặt 100 bà vợ bị chồng bạo hành

100 bà vợ là nạn nhân bạo hành gia đình ở 28 xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có buổi gặp mặt sáng 18/8 tại Đà Nẵng.
100 bà vợ là nạn nhân bạo hành gia đình ở 28 xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có buổi gặp mặt sáng 18/8 tại Đà Nẵng.

Tại buổi gặp mặt, Hội Phụ nữ thành phố đã mời các luật sư, các chuyên gia về tâm lý đến nói chuyện với chị em về chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc” trong buổi gặp mặt này.

Bà Đỗ Thị Kim Linh, Chủ tịch Hội Phụ nữ thành phố Đà Nẵng, cho biết buổi gặp mặt được tổ chức nhằm chia sẻ và cung cấp cho các chị em những thông tin cơ bản về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, đồng thời giúp cho các chị em là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình hiểu về nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo hành hoặc khả năng dễ xảy ra bạo hành gia đình, từ đó rút ra cách ứng xử cần thiết để xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Vân Lan, Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ nghèo và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng, Chuyên gia tư vấn về hôn nhân gia đình, ngoài các nguyên nhân của bạo hành gia đình như người chồng cờ bạc, rượu chè, ngoại tình, hoặc do gia đình nghèo đói, thì chính chị em phụ nữ cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình.

Người phụ nữ nhiều khi thiếu kiềm chế, đôi khi “đổ thêm dầu vào lửa” khi người chồng nóng giận. Do vậy, người vợ cần phải trang bị cho mình kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp để giữ “lửa hạnh phúc” trong gia đình.

Những chị em tham gia buổi gặp mặt này là những người vợ của các ông chồng bạo lực đã được Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức đối thoại vào ngày 5/8 vừa qua. Hầu hết các bà vợ cho biết, buổi đối thoại đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Mối quan hệ trong gia đình đã từng bước được cải thiện, tình trạng bạo hành gia đình đã gần như không xảy ra.

Tại thành phố Đà Nẵng, 90% nạn nhân của nạn bạo hành trong gia đình là nữ giới; trong số đó, 45% bị chồng đánh đập; gần 80% bị sỉ nhục, đe doạ; hơn 70% bị bỏ mặc, không quan tâm; gần 10% bị chồng cấm đoán tham gia các hoạt động xã hội và gần 20% bị chồng bắt ép mang, phá thai theo ý muốn.

Năm 2001, thành phố có 37/296 vụ án hôn nhân gia đình liên quan tới bạo lực gia đình. Đến năm 2005, con số này là 579/1980 vụ án hôn nhân gia đình, chiếm tới 29,2%.

Trong 4 năm (2002 - 2005) có 1.680 phụ nữ và trẻ em bị bạo hành đến giám định pháp y, trong đó có 190 trường hợp bị chồng đánh (chiếm hơn 13%). Hậu quả của bạo lực gia đình ảnh hưởng khá lớn đến thế hệ trẻ, có đến 80% trẻ em bỏ nhà đi lang thang hoặc phạm pháp do cha mẹ mâu thuẫn./.
Dương Vương Lợi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục