LHQ bị động sau khi Áo rút khỏi Cao nguyên Golan

Lực lượng giám sát không can dự của LHQ tại Cao nguyên Golan đã lâm vào khủng hoảng sau khi Áo tuyên bố rút khỏi lực lượng này.
Lực lượng giám sát không can dự của Liên hợp quốc (UNDOF) tại Cao nguyên Golan, hoạt động với sứ mệnh giám sát lệnh ngừng bắn từ năm 1974 giữa Israel và Syria, đã lâm vào khủng hoảng sau khi Áo ngày 6/6 tuyên bố rút khỏi lực lượng này, trong bối cảnh giao tranh gia tăng giữa quân đội chính phủ và các lực lượng đối lập Syria.

Áo đóng vai trò "xương sống" của UNDOF khi cung cấp tới 377 trong số 911 nhân viên lực lượng này. Do vậy, sự rút lui của cũng đồng nghĩa với việc hoạt động của sứ mệnh bị ảnh hưởng mạnh.

Đánh giá vai trò cực kỳ quan trọng của lực lượng vốn đã giữ cho biên giới Israel và Syria yên tĩnh suốt 40 năm qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến họp trong ngày 7/6 để thảo luận tìm lực lượng thế chân Áo.

Đại sứ Anh Mark Lyall Grant, Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng này, cho biết các quan chức gìn giữ hòa bình đang gặp các nước góp quân để xem xét liệu có nước nào có thể sẵn sàng gửi quân thay thế lực lượng Áo hay không.

Vào thời điểm hơn một năm trước, UNDOF có hơn 1.100 quân song Nhật Bản và Croatia đã rút quân trong mấy tháng gần đây. Nay đến lượt Áo cũng rút đi, UNDOF sẽ chỉ còn sự đóng góp của 341 binh sỹ Philippines và 193 binh sỹ Ấn Độ.

Áo tuyên bố rút quân khỏi lực lượng Liên hợp quốc tại Cao nguyên Golan trong bối cảnh chiến sự leo thang tại Syria đang có nguy cơ lan rộng. Israel lo ngại Cao nguyên Golan có thể trở thành bàn đạp để các chiến binh Hồi giáo đang tham chiến tại Syria có thể phát động các cuộc tấn công nhằm vào Nhà nước Do thái. Cũng kể từ tháng 11 năm ngoái, UNDOF thường xuyên bị các nhóm vũ trang tấn công và bắt giữ làm con tin.

Mới đây nhất, giao tranh giữa quân đội Chính phủ Syria và lực lượng đối lập cũng làm bị thương hai nhân viên UNDOF. Liên quan vụ việc này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng ngày 6/6 đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ tấn công tại khu phi quân sự giữa Israel và Syria, kêu gọi tôn trọng đầy đủ thỏa thuận ràng buộc ký năm 1974, theo đó Israel rút quân về đường ranh giới ngừng bắn Israel-Syria và thiết lập vùng đệm an ninh của Liên hợp quốc. Liên hợp quốc cáo buộc hành động này đã vi phạm thỏa thuận ràng buộc năm 1974./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục