Tổ chức Diễn đàn Đầu tư và Tài chính ngân hàng

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn, nhưng những tháng đầu năm 2012 tình hình kinh tế xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến.
Ngày 28/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Bộ Tài chính, Công Thương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các đơn vị liên quan tổ chức “Diễn đàn Đầu tư và Tài chính ngân hàng”.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh: Diễn đàn là dịp để các chuyên gia kinh tế, học giả hàng đầu, đại diện các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, cụ thể các vấn đề cấp bách hiện nay của nền kinh tế Việt Nam, nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực, khả thi trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế tham dự diễn đàn, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng những tháng đầu năm 2012 tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng, nhất là vẫn đề kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm bộc lộ rõ hơn nhiều vấn đề trong nội bộ nền kinh tế cần được giải quyết để nền kinh tế khôi phục đà tăng trưởng và phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký ngừng hoạt động tạm thời và giải thể có dấu hiệu tăng lên. Nguyên nhân do khủng hoảng nói chung, trong khi đó chi phí đầu tư vào như xăng dầu, điện, khí đốt, chi phí nhân công tăng cao, tình trạng tồn kho và lãi suất cho vay cao đã ảnh hưởng và tác động mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Điều đáng lo ngại hơn là tình trạng đa số doanh nghiệp đang phải cắt giảm công suất hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất và sa thải công nhân. Nhìn nhận vấn đề này, các chuyên gia cho rằng việc nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn do lãi suất cao nhưng câu chuyện không chỉ dừng ở lãi suất. Các ngân hàng chỉ xem xét, cân nhắc cho vay dựa trên khả năng hoàn vốn, trong khi có nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng không thể trình phương án sử dụng vốn hiệu quả.

Tại diễn đàn, các chuyên gia còn đánh giá và đưa ra nhiều đề xuất nhằm giải quyết nợ xấu và một số giải pháp phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực trạng và giải pháp cho thị trường bất động sản./.

Thùy Dương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục