Chương trình đối nội của ông Obama bị thách thức

Với một chính trường bị chia rẽ hơn bao giờ hết, chương trình nghị sự đối nội của ông Obama đã và đang tiếp tục gặp thách thức.
Ngay sau nỗ lực bất thành nhằm ngăn chặn việc ngân sách liên bang tài khóa 2013 bị tự động cắt giảm 85 tỷ USD, Tổng thống Mỹ Barack Obama một mặt quy trách nhiệm cho phe Cộng hòa, mặt khác kêu gọi Quốc hội khóa 113 hãy cộng tác với Nhà Trắng trong các ưu tiên đối nội khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng với một chính trường bị chia rẽ sâu sắc hơn bao giờ hết, chương trình nghị sự đối nội nhiệm kỳ hai của ông Obama đã và đang tiếp tục gặp nhiều thách thức.

Phóng viên TTXVN tại Washington đưa tin cuối tuần qua, ngay sau khi chủ trương cắt giảm thâm hụt ngân sách đi kèm với tăng thuế người giàu để tăng nguồn thu bị thất bại, Tổng thống Obama tổ chức họp báo tuyên bố rằng cắt giảm thâm hụt ngân sách là cấp bách và là một phần quan trọng, nhưng không phải là duy nhất trong chương trình nghị sự đối nội đầy tham vọng của Nhà Trắng.

Thất bại trong vấn đề ngân sách sẽ không ảnh hưởng tới quyết tâm của Nhà Trắng thúc đẩy các vấn đề ưu tiên đối nội khác.

Những ưu tiên đối nội được chính quyền Tổng thống Obama nhấn mạnh là cải cách chế độ nhập cư và siết chặt các quy định về kinh doanh và sở hữu súng đạn. Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Obama đã cam kết tiến hành một cuộc cải tổ chế độ nhập cư, nhưng chưa làm được vì bị mất nhiều thời gian vào các cuộc tranh cãi xung quanh những cải cách trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế.

[Ngân sách LB Mỹ đã chính thức bị tự động cắt giảm]

Cuối tháng 1 vừa qua, trong một bài phát biểu tại thành phố Las Vegas, ông Obama tuyên bố sẽ thúc đẩy một cuộc cải tổ toàn diện để vừa bảo đảm an ninh biên giới vừa tạo cơ hội cho 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp hiện có mặt ở Mỹ có thể trở thành công dân.

Chủ trương của ông Obama là người cư trú bất hợp pháp ở Mỹ phải đăng ký với chính quyền, chịu sự kiểm tra về nhân thân, nộp một số khoản tiền phạt và thuế, sau tám năm sẽ được phép trở thành người thường trú hợp pháp vĩnh viễn và cuối cùng có thể trở thành công dân Mỹ năm năm sau đó.

Chủ trương này được cho sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ hợp thức hóa những lao động nước ngoài đang rất cần cho các công việc nặng nhọc ở Mỹ. Tuy nhiên, chủ trương này ngay từ khi công bố đã bị phe Cộng hòa cáo buộc "chẳng khác nào như một cuộc đại ân xá" cho những người đang lẩn trốn pháp luật Mỹ.

Sau hàng loạt vụ thảm sát, nhất là vụ sát hại 20 học sinh từ 6-8 tuổi ngày 14/12 năm ngoái, vấn đề kiểm soát súng đạn cũng đã trở nên cấp bách. Ngày 16/1, Tổng thống Obama đã ký gói sắc lệnh hành chính 23 điểm được coi là chặt chẽ nhất trong hơn 2 thập kỷ qua nhằm kiểm soát việc kinh doanh và sở hữu súng đạn.

[Vụ xả súng ở Las Vegas như trong phim Hollywood]

Tuy nhiên, các đề xuất của ông Obama đã ngay lập tức và hiện cũng đang gặp phải sự phản đối quyết liệt của các nghị sỹ Cộng hòa và Hiệp hội súng đạn toàn quốc (NRA), những người cho rằng cấm buôn bán các loại vũ khí tấn công không chỉ vi phạm Hiến pháp Mỹ mà cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề bạo lực súng đạn.

Một trong những thách thức lớn đối với Tổng thống Obama là làm sao vừa thúc đẩy được các ưu tiên đối nội nhưng vẫn tạo thuận lợi cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm 2014, tại đó các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ muốn giành lại thêm 14 ghế để đoạt lại quyền kiểm soát đa số Hạ viện.

Một số quan chức Nhà Trắng cho biết theo đuổi một chương trình nghị sự giúp đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện trong năm 2014 đã được nhắc tới sẽ như một di sản nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục