Hai miền Triều Tiên bàn về hợp tác tại Kaesong

Ngày 19/1, các quan chức hai miền Triều Tiên nhóm họp tại Kaesong để thảo luận cách thúc đẩy hoạt động của khu công nghiệp này.
Ngày 19/1, các quan chức Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên bắt đầu nhóm họp tại khu công nghiệp chung Kaesong để thảo luận các phương thức thúc đẩy hoạt động của khu công nghiệp này.

Bộ Thống Nhất Hàn Quốc cho biết dự kiến trong hai ngày họp, hai bên sẽ đánh giá kết quả chuyến khảo sát chung tới các khu công nghiệp ở Trung Quốc và Việt Nam tháng 12 vừa qua để rút kinh nghiệm, tìm hiểu cách thức cùng phát triển khu công nghiệp Kaesong.

Theo Trưởng phái đoàn của Hàn Quốc Kim Young-Tak, cuộc họp sẽ tạo cơ hội cho các cuộc thảo luận thẳng thắn về vấn đề phát triển khu công nghiệp Kaesong theo hướng ổn định.

Khu công nghiệp Kaesong được xem là biểu tượng hợp tác nổi bật nhất giữa hai miền Triều Tiên. Hiện có khoảng 110 công ty Hàn Quốc hoạt động tại khu công nghiệp này và sử dụng khoảng 42.000 lao động Triều Tiên.

Liên quan đến hợp tác liên Triều, công ty chế biến thực phẩm Merry của Hàn Quốc ngày 19/1 công bố kế hoạch xây dựng nhà máy liên doanh đầu tiên với Triều Tiên tại đặc khu kinh tế Rason ở Đông Bắc Triều Tiên, gần biên giới với Trung Quốc và Nga.

Đây là liên doanh giữa công ty Merry và Tổng công ty thương mại tổng hợp Gaeson do nhà nước Triều Tiên kiểm soát.

Theo thỏa thuận ký hồi tháng trước, Merry sẽ đầu tư 60% trong tổng kinh phí 7,5 triệu USD để xây nhà máy mới và phần còn lại do đối tác Triều Tiên đóng góp.

Giám đốc Công ty Merry, ông Chung Han-Gi, cho biết kế hoạch trên sẽ được trình lên Bộ Thống nhất Hàn Quốc phê duyệt trong tuần này.

Sau khi được phê duyệt, nhà máy sẽ tuyển dụng khoảng 200 công nhân Triều Tiên để sản xuất thực phẩm đóng hộp và thực phẩm đã qua chế biến phục vụ xuất khẩu.

Merry sẽ cử các kỹ sư người Trung Quốc tới Rason vào tháng tới để lắp đặt thiết bị sản xuất.

Đầu tháng này, Triều Tiên đã quyết định nâng cấp đặc khu kinh tế Rason (thành lập năm 1991) lên quy chế "thành phố đặc biệt". Theo các nhà quan sát, động thái này của Triều Tiên nhằm tập trung phát triển Rason thành cửa ngõ thương mại với Trung Quốc và Nga, đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ liên Triều mới đây lại có những diễn biến căng thẳng.

Triều Tiên ngày 15/1 đe dọa rút khỏi mọi cuộc đối thoại và đàm phán với Hàn Quốc, Ủy ban quốc phòng Triều Tiên cảnh báo sẽ phát động một cuộc "thánh chiến" để trả đũa Hàn Quốc về một kế hoạch của Seoul được cho là nhằm đối phó với những bất ổn tiềm tàng ở Triều Tiên.

Ngày 18/1, Triều Tiên nhắc lại đề nghị đã đưa ra ngày 11/1 về đàm phán hiệp định hòa bình thay thế hiệp định đình chiến, nhằm chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Đáp lại, Hàn Quốc tuyên bố lập trường của Seoul là Bình Nhưỡng phải ngay lập tức trở lại bàn đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa và tôn trọng Tuyên bố chung tháng 9/2005 về giải trừ hạt nhân.

Chỉ khi đó, các nước liên quan mới có thể thảo luận về một hiệp ước hòa bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục