Tạo đà cho cả thế giới

Nền kinh tế Trung Quốc tạo đà cho kinh tế thế giới

Ngoài việc đảm bảo tăng trưởng, Trung Quốc truyền năng lượng cho nền kinh tế thế giới thông qua các biện pháp kích thích tăng trưởng.
Các chuyên gia kinh tế mới đây nhận định rằng bên cạnh việc đưa nền kinh tế nước nhà thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã có những đóng góp quan trọng vào sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Nhà nghiên cứu cao cấp Zhao Zhinping của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc cho hay việc nước này thoát khỏi khủng hoảng kinh tế sớm hơn các nền kinh tế chủ chốt khác không có nghĩa kinh tế Trung Quốc được lợi nhiều nhất. Xét tổng thể, thế giới được lợi không kém Trung Quốc từ đà tăng trưởng mạnh mẽ của nước này sau khủng hoảng.

Cũng như các nền kinh tế chủ chốt khác, Trung Quốc bị tác động nặng nề trước cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, khi người lao động mất việc làm và thương mại giảm sút, nhất là trong nửa cuối năm 2008.

Tháng 8/2008, Trung Quốc đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới thông qua gói kích thích kinh tế quy mô lớn khi chính phủ nước này công bố gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (589,67 tỷ USD) và chuyển chính sách tài chính từ "thận trọng" sang "tiên phong" và chính sách tiền tệ từ "chặt" sang "tương đối lỏng."

Theo ông Zhao, chính sách trên của Trung Quốc là kịp thời và mang lại hiệu quả, giúp cho nền kinh tế này có thể nhấn chìm được khủng hoảng sớm hơn các nước khác.

Năm 2009, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 8,7%, vượt mục tiêu chính thức 8% mà nước này đã đề ra. Tăng trưởng GDP của phục hồi kinh tế thế giới tiếp tục tăng tốc, với mức tăng 11,9% trong quý 1/2010.

Ngoài việc đảm bảo tăng trưởng, Trung Quốc cũng truyền năng lượng vào nền kinh tế thế giới thông qua các biện pháp kích thích tăng trưởng, tạo thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của các đối tác thương mại, đồng thời củng cố lòng tin vào đà phục hồi kinh tế nước nhà.

Giám đốc ngân hàng đầu tư quốc tế Robert Lawrence Kuhn cho hay vào đầu cuộc khủng hoảng, nhiều người lo ngại kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, vì thị trường việc làm của nước này vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Nhưng giờ đây, người ta nhận thức được rằng sự đối phó nhanh của Trung Quốc trước khủng hoảng không chỉ giúp kinh tế nước này ổn định và tăng trưởng, mà còn tránh cho thế giới khỏi rơi vào suy thoái sâu hơn.

Giáo sư kinh tế thuộc trường Đại học Nottingham, Yao Shujie, cho rằng các nền kinh tế đang nổi lên được lợi từ tăng trưởng kinh tế ổn định của Trung Quốc trong giai đoạn khủng hoảng.

Việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh ở mức 8,7% trong năm 2009 cho thấy Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu thô và các sản phẩm công nghiệp bán thành phẩm, giúp các nước xuất khẩu những sản phẩm này, trong đó có Brazil, Australia, Nga, và nhiều nước châu Phi, châu Á và Mỹ Latin, hồi phục nhanh chóng khỏi khủng hoảng.

Bên cạnh đó, theo ông Zhao, tăng trưởng xuất khẩu đã giúp các nước phát triển phục hồi kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng tài chính, đặc biệt là từ đầu năm nay, và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ chốt.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Phát triển nói trên, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng 42% trong bốn tháng đầu năm nay, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ chỉ tăng 13%. Trong năm tháng đầu năm 2010, nhập khẩu của Trung Quốc tăng 57,5%, cao hơn mức tăng xuất khẩu 32,2% của nước này sang các nước khác./.

Như Mai (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục