Kinh tế Mỹ giảm nguy cơ suy thoái kép năm 2011

Kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nguy cơ suy thoái kép trong năm 2011 đã giảm và có thể nâng dự báo mức tăng trưởng GDP.
Nền kinh tế Mỹ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nguy cơ suy thoái kép trong năm 2011 đã giảm và có thể nâng dự báo mức tăng trưởng GDP lên 2,7%, so với dự báo trước đây là 1,7%.

Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế đã đưa ra nhận định trên trong những ngày đầu năm 2011.

EIU cho rằng việc chính quyền Mỹ gia hạn chương trình miễn giảm thuế có từ thời chính quyền Tổng thống George W. Bush và gia hạn chương trình trợ cấp thất nghiệp sẽ thúc đẩy sức tiêu dùng, đặc biệt đối với người tiêu dùng có thu nhập thấp và trung bình hoặc có tỷ lệ tiết kiệm thấp.

Việc cho phép các doanh nghiệp khấu hao các khoản đầu tư trong năm 2011 nhanh hơn cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư trong những năm tới.

Số liệu gần đây cho thấy bức tranh kinh tế Mỹ, dù chưa đồng đều, nhưng đang sáng dần ra. Chỉ số lòng tin của người tiêu dùng trong quý 4 năm 2010 tăng. Doanh số bán lẻ cuối năm 2010 cũng tăng.

Tuy nhiên, việc các điểm sáng đó có chuyển thành sự cải thiện bền vững hay không vẫn còn là một câu hỏi. Tâm lý của người tiêu dùng cải thiện một phần nhờ thị trường chứng khoán phục hồi trong thời gian qua. Nhưng giá cổ phiếu gần đây biến động nhiều hơn và người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao và thị trường nhà ở tiếp tục bất ổn.

Khu vực doanh nghiệp Mỹ cũng đã có những bước cải thiện đáng kể về lợi nhuận và tình hình tài chính. Theo Bộ Thương mại Mỹ, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp đã đạt mức kỷ lục 1.700 tỷ USD trong quý 3 năm 2010, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và 11,5% so với quý trước đó.

Lĩnh vực ngân hàng cũng cải thiện mạnh mẽ khi Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) thông báo lợi nhuận thực của 7.700 ngân hàng và quỹ tiết kiệm trong quý 3 đạt 14,5 tỷ USD, so với mức 2 tỷ USD của cùng kỳ năm trước đó. Ngành công nghiệp ôtô cũng phục hồi mạnh, điển hình là GM - hãng phải xin bảo hộ phá sản đầu năm 2009 - đã thông báo có lãi trong 3 quý đầu năm 2010.

Tuy nhiên, theo EIU, mặc dù có kích thích tài chính và tiền tệ, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng chậm hơn so với mức bình thường trong giai đoạn phục hồi. Vấn đề lo ngại nhất của nền kinh tế Mỹ hiện nay là không tạo đủ việc làm.

Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11/2010 đứng ở mức 9,8%, cao hơn nhiều mức trung bình 5% của một thập kỷ trước khủng hoảng. Đáng ngại hơn là rất nhiều người Mỹ đã từ bỏ ý định tìm việc. Nếu lực lượng lao động của Mỹ tăng với tốc độ như trước khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay có thể đã lên đến mức 12%. Thất nghiệp cao liên tục sẽ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế vì tiêu dùng chiếm khoảng 70% GDP của Mỹ.

Trong khi đó, một biên bản cuộc họp cuối năm 2010 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), công bố ngày 4/1, cho thấy Ngân hàng Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đánh giá khủng hoảng nợ công ở châu Âu là mối đe dọa tiềm tàng đối với nền kinh tế Mỹ.

Các thành viên FOMC - cơ quan hoạch định chính sách thuộc FED - cho rằng kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu cải thiện, song sự phục hồi khiêm tốn này có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình thị trường nhà ở lụn bại của Mỹ và nguy cơ phản ứng dây chuyền nền cuộc khủng hoảng ngân hàng và nợ công ở châu Âu diễn biến xấu đi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục