Chung tay để hết nghiện mà không bị tái nghiện

Với hy vọng và khát khao có được cuộc sống bình thường, những người cai nghiện trở về mong muốn sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng.
Đó là lời tâm sự của anh Vũ Đức Cường (sinh năm 1983), học viên Trung tâm giáo dục lao động xã hội Hải Phòng. Làm thế nào để người nghiện khi tái hòa nhập cộng đồng không còn bị kỳ thị, có được một công việc ổn định để quên đi những cám dỗ của ma túy đang là bài toán cần cả xã hội chung tay vào giải quyết.

Nỗi lo ngày trở về

Năm 2006, khi Cường đang học nghề bị các bạn ở cùng kí túc xá rủ rê lôi kéo vào con đường nghiện hút ma túy, đến năm 2009 Cường được đưa vào trung tâm giáo dục lao động xã hội Hải Phòng cai nghiện. Gần 2 năm trồi qua, chỉ còn vài ngày nữa được trở về hòa nhập với cộng đồng, niềm vui được trở về với gia đình đan xen với sự lo lắng cho tương lai của mình.

Cường tâm sự: “Những ngày đi theo con đường nghiện hút, em đã đánh mất lòng tin của gia đình, bạn bè, làm họ thất vọng rất nhiều, bây giờ khi trở về, để lấy lại lòng tin, tình cảm của người thân sẽ thật khó.”

Những mặc cảm, khó khăn khi tái hòa nhập cồng đồng khiến Cường lo lắng. Đối với Cường, làm thế nào có thể xin được một công việc ngay sau khi ra trại để Cường quên đi, không quay lại con đường nghiện hút là khó khăn lớn nhất đối với Cường.

“Em cũng không còn trẻ nữa, em chỉ mong ra trại sớm ổn định công việc và tìm được một người bạn gái hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của em, nhưng có lẽ điều đó còn quá xa vời.” Cường chia sẻ.

Ông Đỗ Đình Thoang, bố một học  viên đang cai nghiện trong Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng cũng băn khoăn, trăn trở về con đường tái hòa nhập cộng đồng của con mình sau khi ra khỏi trung tâm.

“Tôi rất lo lắng khi con tôi trở về tái hòa nhập cộng đồng, làm sao chúng ta quản lý dân sự thật tốt để những người cai nghiện thành công trở về không phải lang than, gặp gỡ bạn bè cũ và bị lôi kéo tái nghiện.”

Tỷ lệ tái nghiện còn cao

Ông Nguyễn Quang Toàn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng cho biết: “Công tác cai nghiện chưa đạt được kết quả như mong muốn do tỷ lệ tái nghiện còn quá cao, các nguyên nhân cai nghiện chưa được chú tâm nghiên cứu, đánh giá để đưa ra giải pháp. Bằng kinh nghiệm thực tế và tìm hiểu số học viên tái nghiện ra vào trung tâm nhiều lần, thì phần lớn các em không vượt qua chính mình bở sự kỳ thị còn cao, môi trường xã hội còn nhiều mà túy và không có công ăn việc làm khi hồi gia.

Ông Toàn cũng cho biết trung tâm đã mạnh dạn đầu tư thí điểm mô hình cộng tác viêm, tạo công ăn việc làm cho những học viên sau khi hết thời gian cai nghiện có thu nhập ổn định, được đống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bước đầu chương trình đã tuyển được trên 30 cộng tác viên ở lại trung tâm sau cai nghiện.

Bên cạnh tuyển cộng tác viên, trung tâm đã kết hợp với một công ty tạo công ăn việc làm cho gần 100 học viên, sau 3 năm hoạt động, đến nay có gần 30 người chưa tái nghiện, trong đó có 10 người đã xây dựng gia đình, có thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/tháng. Con số mặc dù không nhiều nhưng cũng là niềm vui và hy vọng của cán bộ, nhân viên trung tâm khi những nỗ lực của họ đã bắt đầu có kết quả.

Có một học viên sau khi cai nghiện thành công đã trở thành một tuyên truyền viên phòng chống ma túy tích cực đó là anh Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ SA (Phường Giang Viên, Ngô Quyền, Hải Phòng), một câu lạc bộ giúp đỡ những người cai nghiện ma túy.

Anh Tân chia sẻ: “Những học viên sau khi ra khỏi trung tâm thường gặp phải những ánh mắt không công bằng của xã hội. Chúng ta phải dẹp tất cả uất ức, tự ái bằng tình yêu thương của bạn bè, gia đình để vượt qua. Người đã cai nghiện là phải tự tin vào bản thân, trong xã hội mỗi người mỗi cảnh, hãy tự tin vào chính mình và đừng quên ma túy màu trắng nhưng nó có thể nhúng chúng ta xuống bùn đen.”

Còn nhiều khó khăn đối với người nghiện khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, nhưng họ vẫn hy vọng và khát khao có được cuộc sống bình thường như bao người khác.

“Ma túy có thể bỏ được nhưng rất khó khăn, em sẽ nỗ lực hết mình để đoạn tuyệt với ma túy để có được cuộc sống bình thường.” Anh Cường quyết tâm.

Để người nghiện có thể trở về hòa nhập cộng đồng thành công và không tái nghiện cần sự chung tay của toàn xã hội. Hãy cho những họ niềm tin vào cuộc sống, vào bản thân để tìm lại chính mình./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục