Tôm chết do độc tố

Tôm ở Bạc Liêu chết hàng loạt do độc tố trong ao

Tình trạng tôm chết hàng loạt trong thời gian qua tại Bạc Liêu và ở các tỉnh lân cận là do bị nhiễm độc tố ngay tại chính ao nuôi.
Tình trạng tôm chết hàng loạt trong thời gian qua tại Bạc Liêu và ở các tỉnh lân cận là do bị nhiễm độc tố ngay tại chính ao nuôi.

Đây là kết luận chính thức của các nhà khoa học quốc tế, được ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, thông báo.

Nguyên nhân chính là do quá nóng vội, muốn gỡ vốn nhanh, nguời nuôi tôm đã không xử lý diệt khuẩn triệt để đáy ao như hướng dẫn của chuyên môn, vội thả nuôi tôm mới làm cho mầm bệnh còn tồn lưu trong ao nuôi tiếp tục gây hại khiến tôm mới tiếp tục bị chết, chứ hoàn toàn không phải tôm chết vì bệnh gan-tụy do vi bào tử như kết luận ban đầu.

Kết luận này gây bất ngờ cho người nuôi tôm và là bài học cảnh tỉnh đối với các hộ nuôi tôm khi chỉ dựa vào kinh nghiệm để xử lý sự cố.

Một nguyên nhân nữa khá quan trọng được đúc kết là do nguồn nước khi đưa vào ao nuôi chưa qua lắng lọc, diệt khuẩn, cũng là tác nhân gây bệnh cho tôm.

Một thực tế khiến cho người nuôi tôm nóng vội là giá tôm nguyên liệu nhiều tháng qua luôn ở mức cao, người nuôi tôm hy vọng chỉ cần trúng một vụ tôm là thu hồi vốn, nên khi tôm chết lại mua giống thả tiếp không quan tâm xử lý bệnh tồn lưu trong ao.

Mặt khác, người nuôi cũng chưa quan tâm đầy đủ tôm giống có sạch bệnh hay không, vẫn thả nuôi tiếp.

Ông Lân cho biết ''có người thả giống đến lần thứ 9, 10 tôm cứ chết mà vẫn không sợ. Trong khi đó người ít vốn, xử lý ao nuôi đạt yêu cầu kỹ thuật, tôm nuôi phát triển bình thường, cho thu hoạch và bán được giá cao."

Đợt tôm chết trên mô hình nuôi công nghiệp vừa qua ở Bạc Liêu đã lên đến trên 5.900ha trong tổng số 11.000ha thả nuôi, không những gây thiệt hại nặng về vật chất mà còn gây tâm lý hoang mang cho những người nuôi tôm ở địa phương.

Hiện nay ngành nông nghiệp Bạc Liêu đã tung hết cán bộ kỹ thuật về các vùng có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nặng, cùng với cán bộ kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo rõ nguyên nhân gây bệnh trên tôm; đồng thời tổ chức hướng dẫn lại quy trình kỹ thuật xử lý ao nuôi trước khi thả tôm; kỹ thuật chọn giống, đưa tôm giống đi xét nghiệm bệnh trước khi thả nuôi.

Bên cạnh đó hướng dẫn lựa chọn thức ăn cho tôm, cách thức cho tôm ăn theo tuổi phát triển; dùng thuốc sinh học, tuyệt đối không xử lý bằng hóa chất khi xử lý ao, đáy ao khi tôm bị bệnh...

Với những biện pháp kỹ thuật này, người nuôi tôm sẽ tuân thủ theo hướng dẫn chuyên môn sau khi rút ra bài học xương máu từ sự thất bại vừa qua.

Tuy nhiên cái mà người nuôi tôm đang thiếu trầm trọng hiện nay là vốn để khôi phục lại sản xuất. Bởi vốn tín dụng từ ngân hàng cho nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu hiện nay khó tiêp cận được. Nếu không gỡ khó được việc này, thì ao nuôi dù có xử lý hoàn chỉnh xong cũng sẽ không có tôm để thả.

Chính vì thế, việc khôi phục lại hơn 4.300ha tôm nuôi công nghiệp đang cải tạo có được đưa vào sản xuất trong năm nay hay không, hoàn toàn lệ thuộc vào "tài" ứng biến, xử lý của ngành nông nghiệp../.

Cao Thăng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục