Bồ Đào Nha đã được nới lỏng thâm hụt ngân sách

EU, IMF và ECB đã nhất trí nới lỏng chỉ tiêu thâm hụt ngân sách cho Bồ Đào Nha, tạo điều kiện cho nước này nhận được thêm tiền cứu trợ.
Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Vitor Gaspar ngày 11/9 cho biết nhóm bộ ba chủ nợ quốc tế, gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nhất trí nới lỏng chỉ tiêu thâm hụt ngân sách, theo đó nâng mức thâm hụt từ 4,5% lên 5% GDP trong năm nay, tạo điều kiện cho nước thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) này có thể được nhận thêm tiền cứu trợ.

Năm ngoái, Bồ Đào Nha cũng đã nhất trí với các điều kiện của nhóm bộ ba nói trên để được nhận gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro. Tuy nhiên, theo ông Gaspar, kinh tế Bồ Đào Nha được dự báo sẽ tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm 2013 và chỉ có thể bắt đầu phục hồi chậm chạp trong quý 2/2013.

Thông báo trên được đưa ra sau khi Chính phủ Bồ Đào Nha cuối tuần trước công bố một loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới, theo đó sẽ tiếp tục tăng thuế, cắt giảm chi tiêu công và nhân công trong khu vực nhà nước.

Các biện pháp khắc khổ mới này có nguy cơ thổi bùng lên một cuộc biểu tình phản đối quy mô lớn ở Bồ Đào Nha.

Trong khi đó, tại nước láng giềng Tây Ban Nha, nơi được coi là tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ công của Eurozone, chính phủ nước này vẫn bác bỏ khả năng phải cầu viện gói cứu trợ chính thức của EU, trong bối cảnh mọi sự chú ý đang tập trung vào phán quyết cuối cùng của Tòa án Hiến pháp Đức về việc vận hành Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) và Hiệp ước tài chính châu Âu.

Giới phân tích cho rằng nếu phán quyết của Tòa án Hiến pháp Đức phản đối việc Berlin tham gia cơ chế cứu trợ trị giá 500 tỷ euro này cũng như hiệp ước ràng buộc các nước phải cắt giảm thâm hụt ngân sách, thì điều này sẽ phủ định chiến lược mà các nhà lãnh đạo châu Âu đề ra nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài ba năm nay lan rộng ra toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục