Vẫn "vắng" tác giả trẻ tại giải thưởng văn học

Giải văn học Thành phố Hồ Chí Minh 2009 vừa được trao thưởng, nhưng đáng tiếc vẫn chưa có văn sĩ trẻ nào được xướng tên trong đó.
Ngày 12/11, Hội đồng chấm giải văn học Thành phố Hồ Chí Minh 2009 của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã bỏ phiếu kín, với số phiếu quá bán chọn ra hai tác phẩm để trao giải thưởng gồm "Tiểu thuyết đàn bà" của Lý Lan và tập thơ "Ra ngoài ngàn năm" của Trương Nam Hương.

“Hơi đáng tiếc” vì không có người trẻ nhận giải

Hội đồng chấm giải văn học Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn hai tác phẩm trên để trao giải thưởng từ 7 tác phẩm: "Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình" (Dương Thụy), "Đồng hồ một kim" (thơ Phan Trung Thành), "Mắt giấy" (thơ Nguyệt Phạm), "Nhà thơ qua nhà thơ" (lý luận phê bình Lê Hoàng Anh) và "Văn học thời gian 1975-2005" ở Thành phố Hồ Chí Minh (lý luận phê bình Trần Thanh Giao).

Nhìn vào danh sách 7 tác phẩm vào vòng bỏ phiếu chấm giải, có 3 tác phẩm của các tác giả tạm gọi là trẻ gồm Dương Thụy, Phan Trung Thành và Nguyệt Phạm.

Lâu nay, làng văn Thành phố Hồ Chí Minh luôn kỳ vọng vào một ngày “đẹp trời”, các tác giả trẻ được vinh danh thông qua giải thưởng văn học của Thành phố, song chờ đến giải thưởng của năm 2009 này vẫn chưa có văn sĩ trẻ nào được trao giải.

Năm ngoái, giải văn học Thành phố Hồ Chí Minh ngoài trao hai giải thưởng cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (Tôi là Bêtô) và nhà thơ Thanh Nguyên (Hát thơ), còn lại là hai tặng thưởng (có ý nghĩa khuyến khích) cho hai nhà văn Trần Nhã Thụy (tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước) và nhà thơ Trần Lê Sơn Ý (tập thơ Cơn ngạt thở tình cờ).

Nếu xét về tuổi đời, hai tác giả Trần Nhã Thụy, Trần Lê Sơn Ý trẻ hơn rất nhiều so với Nguyễn Nhật Ánh và Thanh Nguyên. Tất nhiên, trong văn chương nghệ thuật không thể nói chuyện tuổi “già” hay “trẻ” mà vấn đề là tác phẩm nhận giải có xứng đáng không. Mặc dù vậy, việc không có tác giả trẻ nào được vinh danh ở giải thưởng này vẫn là việc không vui.

Nhà văn Lê Văn Thảo - Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng “hơi đáng tiếc” vì không có người trẻ nhận giải thưởng.

Nhà văn trẻ: Chầm chậm đến mình!

Khi nào nhà văn trẻ được giải thưởng “xướng danh”? Hình như cơ hội đến với họ nhiều hơn vào những năm không có tác phẩm nào của nhà văn “già” ứng thí hoặc “vượt trội”!

Năm 2007, hai tác phẩm thơ và truyện ngắn của nhà văn trẻ Lê Thiếu Nhơn và Liêm Trinh được nhận tặng thưởng của Giải thưởng văn học Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là năm mà Giải thưởng văn học Thành phố Hồ Chí Minh không chọn ra tác phẩm nào xứng đáng trao giải thưởng mà chỉ có hai tác phẩm của hai tác giả trẻ nói trên nhận tặng thưởng (tức khuyến khích) mà thôi.

Có nhà văn trẻ còn thẳng thừng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Hội đồng giám khảo thế nào thì giải thưởng sẽ thế ấy. Dù nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhà thơ Hàn Mặc Tử - những người tạ nên sự nghiệp từ rất trẻ, có sống lại cũng chưa chắc đã vào được giải”.

Năm 2008, khi giải thưởng và tặng thưởng được trao, đã có một số ý kiến so sánh rằng tác phẩm nhận giải thưởng có hơn gì tác phẩm nhận tặng thưởng đâu(?). Tất nhiên, đó chỉ là những ý kiến cá nhân của một vài nhà văn trẻ vì quá “sốt ruột” nên nói vậy, còn theo nhà văn Lê Văn Thảo - Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, thì hội đồng chấm giải đã “làm việc hết sức công tâm”, văn chương chỉ có hay hoặc không hay chứ không có chuyện trẻ hay già.

Như vậy, có thể đặt ra câu hỏi rằng liệu có phải các nhà văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh viết chưa thật hay nên không được giải thưởng “để mắt” tới? Câu hỏi này hỏi cũng chỉ để mà hỏi, vì việc hay hoặc như thế nào là hay lại có thể gây tranh cãi dài dài vì “văn chương tự cổ vô bằng cớ”.

Vậy nên, việc Giải thưởng văn học Thành phố Hồ Chí Minh có đến tay các nhà văn trẻ hay không, có thể ví von như hình ảnh của một nhà thơ: Chầm chậm đến mình! Hoặc nếu nhà văn trẻ nào có “sốt ruột”, thì như tên một tác phẩm của nhà văn trẻ Nguyễn Lê My Hoàn, hãy chọn: Lối đi ngay dưới chân mình, thay vì “lối đi” đến giải thưởng của Hội Nhà văn  Thành phố Hồ Chí Minh./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục