Nguy cơ chính trị phân cực

LHQ cảnh báo về chính trị phân cực mới ở châu Âu

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cảnh báo đường lối chính trị phân cực mới ở châu Âu, trong đó có sự phân biệt đối xử với người nhập cư.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã cảnh báo đường lối chính trị phân cực mới ở châu Âu, trong đó có sự phân biệt đối xử và bất khoan dung đối với người nhập cư, đặc biệt là người Hồi giáo nhập cư.

Trong các bài phát biểu tại Hội đồng châu Âu gồm 47 nước thành viên và Quốc hội châu Âu gồm 27 nước thành viên ngày 19/10, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh đường lối chính trị mới này ở châu Âu đã được Tổng Thư ký Liên hợp quốc tiền nhiệm, ông Kofi Annan, cảnh báo bảy năm trước đây.

Ông Annan đã kêu gọi châu Âu tận dụng các cơ hội nổi lên từ làn sóng nhập cư, đồng thời chống lại việc phân biệt đối xử với những người nhập cư.

Mặc dù tình hình châu Âu trong nhiều năm qua đã thay đổi, nhưng hiện nay, sự nổi lên của đường lối chính trị mới mang tính phân biệt đối xử này vẫn đáng lo ngại và là xu thế nguy hiểm.

Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc kêu gọi quyền bình đẳng và các quyền cơ bản không thể xâm phạm được của tất cả mọi người. Đây là các quyền cơ bản và là tiêu chuẩn không có ngoại lệ, đặc biệt trong thế giới phức tạp và nối kết chặt chẽ hiện nay.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc lưu ý rằng thách thức đối với châu Âu trong thế kỷ 21 là sự khoan dung, trong đó xây dựng xã hội đa dạng là nhiệm vụ phức tạp. Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon cảnh báo nhiều nước châu Âu phát triển đã sử dụng vấn đề di cư và thời kỳ kinh tế khó khăn làm lý do bào chữa cho sự phân biệt đối xử và ngăn chặn người di cư.

Ông kêu gọi châu Âu tận dụng mọi cơ hội để khẳng định tính phổ quát và không thể chia cắt được của quyền con người.

Cho đến nay, chưa một nước châu Âu lớn và giàu có nào ký hoặc phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền của người lao động di cư, mặc dù công ước này đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua từ 20 năm nay.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định cần tôn trọng đa dạng văn hóa cũng như không bao giờ nhân nhượng các nguyên tắc căn bản và không chấp nhận sự bất khoan dung, tôn trọng các quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ.

Ông cũng thảo luận với Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu, Thorbjorn Jagland, về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hội đồng châu Âu, đặc biệt là vấn đề người lao động di cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục