Quốc tế tìm phương thức giải quyết vấn đề ở Somalia

Đại diện hơn 40 quốc gia và tổ chức quốc tế cùng tìm phương thức giải quyết các vấn đề của Somalia như thiếu thực phẩm, tham nhũng.
Cuộc chiến chống khủng bố và cướp biển, biện pháp đảm bảo an ninh trong khu vực và thúc đẩy nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ Somalia là chủ đề chính của hội nghị quốc tế về Somalia, khai mạc ngày 23/2 tại thủ đô London (Anh).

Đại diện hơn 40 quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự hội nghị cũng sẽ tìm các phương thức giải quyết nhiều vấn đề của Somalia, như thiếu thực phẩm và thuốc men trầm trọng, tình trạng tham nhũng và thiếu một chính quyền trung ương quản lý đất nước.

Trong số đại biểu tham dự hội nghị có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, đại diện các tổ chức như Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn các nước Arập, Tổ chức hợp tác Hồi giáo, Ngân hàng Thế giới, nguyên thủ một loạt nước như Kenia, Uganda, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ... Về phía Somalia có đại diện nhiều phe phái.

Dự kiến hội nghị sẽ ký thỏa ước thành lập quỹ quốc tế trợ giúp xây dựng các trường học, bệnh viện, tòa án, cơ quan cảnh sát trên các vùng lãnh thổ của Somalia. Anh dự kiến sẽ đóng góp ban đầu 32 triệu USD.

Phát biểu trước thềm hội nghị, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng cộng đồng quốc tế cần nỗ lực tối đa để người dân Somalia có một cơ hội thứ hai và vượt qua cuộc khủng hoảng hệ thống đã kéo dài hơn hai thập kỷ qua tại quốc gia này.

Nhiệm vụ chính của hội nghị này là tạo nền tảng bước đầu để Somalia có thể ổn định và an ninh hơn.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BBC, nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục trật tự tại Somalia. Ông cũng cảnh báo rằng chủ nghĩa cực đoan tại Somalia đang tạo ra một "mối đe dọa thực sự" và nó sẽ leo thang nếu không có một hành động có ý nghĩa nào được thực hiện để ổn định quốc gia khu vực Sừng châu Phi này.

Trước đó, ngày 22/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết mở rộng sứ mệnh của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên minh châu Phi tại Somalia (AMISOM), theo đó AMISOM được quyền áp dụng những biện pháp cần thiết cùng với các lực lượng an ninh của Somalia đảm bảo sự quản lý hiệu quả và hợp pháp trên toàn lãnh thổ Somalia. Quân số của lực lượng này cũng tăng từ 12.000 lên 17.700 người.

Tháng 11/1989, tại Somalia xảy ra một cuộc đảo chính và từ đó nước này rơi vào một cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa các phe phái, làm đất nước bị tàn phá trầm trọng, cùng với nạn đói khủng khiếp hoành hành./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục