Khi nào Thái Lan sẽ bớt lệ thuộc vào xuất khẩu?

Thái Lan là một trong ba nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu nhất ở khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Singapore và Malaysia.
Thái Lan là một trong ba nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu nhất ở khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Singapore và Malaysia.

Mức đóng góp của xuất khẩu cho nền kinh tế Thái Lan đã tăng mạnh, từ khoảng 40% GDP lên tới 70% GDP trong thập niên qua.

Bất chấp việc nhiều "đời" chính phủ loan báo chính sách sẽ cố giảm bớt sự lệ thuộc để thoát dần khỏi vòng "kim cô" đó, nhưng nhu cầu chi tiêu trong nước vẫn chưa nhích lên đáng kể vì xứ "chùa Vàng" chưa giải quyết được.

Một trong những nguyên nhân chính trực tiếp dẫn tới nhu cầu nội địa thấp là tiền lương của người lao động không được nâng lên, khiến Thái Lan tụt hậu về khía cạnh này so với các nước khu vực.

Lương trên thực tế (sau khi được điều chỉnh và tính tới yếu tố lạm phát) trong ngành chế tạo tại Thái Lan cơ bản không tăng, trong khi ở Singapore và Hàn Quốc tăng khoảng 40% và trên 100% tại Trung Quốc trong thời gian từ năm 1995 đến 2003.

Tiền công ở nước này không tăng lên là do các doanh nghiệp Thái Lan chưa thể tăng mạnh sản lượng hoặc bán được nhiều hàng.

Trong thời gian từ năm 1994 đến 2006, năng suất của ngành chế tạo Thái Lan chỉ tăng khoảng 30%, bằng mức tăng ở Indonesia và Philippines nhưng thấp hơn mức tăng ấn tượng hai hoặc ba lần tại Hàn Quốc hoặc Trung Quốc.

Khi xuất khẩu đóng góp rất nhiều cho GDP và phần lớn giá bán sản phẩm là do thị trường quốc tế ấn định, Thái Lan gặp phải vấn đề bất lợi khác nữa là phần lớn hàng hóa xuất khẩu của nước này tập trung vào các khu vực hay thị trường mà giá của chúng tính bằng đồng USD không tăng mạnh.

Chẳng hạn như mặt hàng máy móc và thiết bị điện tử tuy chiếm khoảng 27% giá trị xuất khẩu song giá xuất khẩu tính theo đồng USD chỉ tăng bình quân hàng năm 1% trong thời gian từ năm 2000 đến 2008. Điều này cộng với việc đồng bạt lên giá so với đồng USD khiến cho các doanh nghiệp Thái Lan khó có thể tăng lương cho người lao động.

Theo nhà kinh tế trưởng Sethaput S. Narueput, việc Thái Lan chưa tiếp cận và cải thiện khả năng sản xuất, xuất khẩu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn thì giá các mặt hàng xuất khẩu sẽ khó tăng mạnh. Với việc lương bổng không tăng, chi tiêu của người tiêu dùng trong nước cũng không thể nhích lên đáng kể - yếu tố khiến đất nước buộc phải dựa nhiều vào nhu cầu của thị trường xuất khẩu bên ngoài.

Để khắc phục tình trạng trên, Thái Lan cần thêm đầu tư nước ngoài để tăng năng suất lao động. Nhưng điều đáng buồn là tại thị trường nước này đầu tư chưa thực sự phục hồi từ sau cuộc khủng hoảng năm 1997 và đang tụt hậu sau với các nước khác trong vùng.

Hiện đầu tư ở Thái Lan mới chỉ tương đương khoảng 70% mức cao nhất của năm 1976 và không gia tăng trong thời gian qua, chủ yếu là do bất ổn chính trị kéo dài và kinh tế toàn cầu suy giảm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng các công ty và doanh nghiệp Thái Lan cần chú ý nhiều đến thị trường tiêu dùng trong khu vực và tận dụng tốt các cơ hội và sự ưu đãi về thương mại-đầu tư do kế hoạch hội nhập khu vực đem lại./.

Trần Ngọc Tiến (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục