Nhà đầu tư Italy hướng tới Việt Nam và Malaysia

Theo Ủy ban Thương mại Italy ở Thái Lan, nhà đầu tư Italy hướng tới một số nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Malaysia.
Người đứng đầu Ủy ban Thương mại Italy tại Thái Lan Vincenzo Cale nhận xét tình hình căng thẳng và rối ren chính trị ở Bangkok đang tác động mạnh đến lòng tin, khiến giới đầu tư Italy quan ngại và có thể hướng tới một số thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Malaysia.

Ông Vincenzo Cale nói rằng mặc dù Italy đang thực hiện chính sách Hướng Đông và coi Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) là một trong những địa chỉ đầu tư hấp dẫn, nhưng sự mất ổn định chính trị và rối ren ở Thái Lan đang khích lệ các nhà đầu tư Italy chuyển hướng tới một số nước khác trong khối ASEAN, chủ yếu là Việt Nam và Malaysia.

Theo số liệu của Cục Hải quan Thái Lan, xuất khẩu của nước này sang thị trường Italy trong quý I năm nay đã tăng hơn 36% lên hơn 450 triệu USD, trong khi nhập khẩu tăng hơn 9,6% lên hơn 355 triệu USD.

Năm ngoái, giá trị xuất khẩu của Thái Lan sang Italy giảm mạnh xuống chỉ còn 1,3 tỷ USD, còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Italy cũng giảm xuống 1,4 tỷ USD. Những mặt hàng xuất khẩu chính của Thái Lan là đá quý, máy điều hòa nhiệt độ, cao su; trong khi nhập khẩu chủ yếu là máy móc, dược phẩm, hóa chất.

Trong khi đó, một quan chức của Công ty Siemens Ltd Thailand và Tập đoàn Transportation Systems ở Thái Lan cho biết mặc dù khởi động chậm trong phát triển hệ thống giao thông đường sắt, nhưng hiện giờ Việt Nam có nhiều đầu máy xe lửa hiện đại hơn so với Thái Lan.

Xứ “chùa Vàng” đã từng có hệ thống giao thông sắt tốt nhất khu vực cách đây 150 năm, nhưng đã không phát triển thêm tuyến đường nào quan trọng nữa kể từ đó, dù đang có kế hoạch khá tốt để mở rộng mạng lưới đường sắt trong nước.

Tin tức cho hay trong ba tháng đầu năm nay, kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng mạnh chưa từng thấy kể từ 15 năm qua, đạt 3,8%, cao gấp đôi mức dự báo của thị trường. Thế nhưng, hậu quả của cuộc khủng hoảng chính trị vừa qua đã làm xấu đi viễn cảnh nền kinh tế nước này trong thời gian tới.

Theo Chính phủ Thái Lan, tăng trưởng kinh tế năm nay của nước này có thể chỉ đạt khoảng 3,5-4,5%. Có nghĩa, trong kịch bản tối ưu, không còn tái diễn biểu tình và bạo loạn, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thái Lan ước sẽ giảm 1,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi đầu năm nay.

Làn sóng biểu tình của phe Áo đỏ, bắt đầu từ giữa tháng Ba với đỉnh điểm là các vụ xung đột với lực lượng an ninh vào ngày 10/4 vừa qua và trong tuần trước, cũng gây thiệt hại nặng nề về vật chất, tàn phá CentralWorld, một phần sàn giao dịch chứng khoán Bangkok, nhiều chi nhánh ngân hàng.

Đó là những thiệt hại trực tiếp chưa kể đến thiệt hại về người và chưa tính đến những hậu quả gián tiếp của khủng hoảng đối với du lịch hay đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục