Ấn Độ và Mỹ xây dựng nền tảng kinh tế bền vững

Ấn Độ-Mỹ nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng bất ổn và đạt mức tăng trưởng bền vững.
Hội nghị thường niên lần thứ ba Diễn đàn Đối tác kinh tế và tài chính Ấn Độ-Mỹ đã diễn ra ngày 9/10 tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ P.Chidambaram, Thống đốc Ngân hàng dự trữ Ấn Độ Subbarao, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner Timothy, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke và nhiều quan chức cấp cao hai nước.

Các quan chức Mỹ và Ấn Độ đã thảo luận về những diễn biến kinh tế và tài chính gần đây tại hai nước và trên thế giới. Hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương và đa phương, trong đó có quan hệ hợp tác với G-20 nhằm góp phần đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi tình trạng bất ổn định, đạt mức tăng trưởng mạnh, cân bằng và bền vững.

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ và Bộ trưởng Tài chính Mỹ ra tuyên bố chung đánh giá những tiến bộ trong quan hệ kinh tế-tài chính giữa hai nước kể từ khi "Diễn đàn Đối tác kinh tế và tài chính Ấn Độ-Mỹ" được thành lập năm 2010.

Hai bên cam kết tiếp tục xây dựng các mối quan hệ kinh tế-tài chính dựa trên các cuộc thảo luận trước đây, thăm dò các lĩnh vực mới nhằm làm sâu sắc hơn và mở rộng hợp tác; khẳng định việc mở rộng nhanh chóng quan hệ tài chính và kinh tế giữa Mỹ và Ấn Độ là cốt lõi của mối quan hệ nhiều mặt, dựa trên những giá trị cùng chia sẻ và sự hội tụ những lợi ích ngày càng tăng.

Hai bên ghi nhận những lợi ích tiềm tàng trong hợp tác để tạo việc làm, phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, coi đây là một dấu hiệu về cam kết xây dựng quan hệ hợp tác trên một nền tảng vững chắc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner nhấn mạnh hai nước cần tiếp tục tăng cường mối quan hệ kinh tế tốt đẹp hiện nay để đối phó với những thách thức đang ngày càng tăng. Ông Geithner tin rằng những quyết định cải cách kinh tế mới đây của Chính phủ Ấn Độ sẽ khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư thế giới vào nền kinh tế này.

Các sáng kiến cải cách của Chính phủ Ấn Độ, như quyết định mở cửa 51% thị trường bán lẻ cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 49% cho lĩnh vực hàng không dân dụng, nâng trần FDI vào lĩnh vực truyền thông từ 49% lên 74% và lĩnh vực bảo hiểm từ 26% lên 49%, cũng sẽ góp phần tăng thêm đầu tư từ các nơi trên thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng bày tỏ sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong tương lai, khi các biện pháp cải cách này được triển khai./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục