Sức bật của công nghiệp trên quê hương "khoán 10"

Những sản phẩm công nghiệp giá trị lớn, có sức cạnh tranh cao đem lại cho Vĩnh Phúc sức sống mới - một bước phát triển đầy ấn tượng.
Đến với Vĩnh Phúc - quê hương của "khoán 10," "khoán hộ" trong sản xuất nông nghiệp xưa kia, người ta chứng kiến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị đua nhau mọc lên nằm xen kẽ các trục đường nhựa.

Con đường Quốc lộ 2A  từ thị xã Phúc Yên đến thành phố Vĩnh Yên lúc nào cũng tấp tập công nhân lao động đến nhà xưởng làm việc. Các xe tải hạng nặng cũng liên tục qua lại, chở những sản phẩm công nghiệp có giá trị lớn về tiêu thụ tại ở các tỉnh, thành phố khác.

một sức sống mới - một bước phát triển đầy ấn tượng trên  mà một thời từng được cả nước biết đến.

Gắn xây dựng Đảng với phát triển kinh tế-xã hội

Ông Nguyễn Đức Tẩm, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, khẳng định sức sống mới của tỉnh Vĩnh Phúc là nhờ  tập trung công tác xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế-xã hội.

Cách đây 10 năm, Vĩnh Phúc còn là một tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém, không đủ điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung và gắn với nhu cầu thị trường. Mặt khác, đất canh tác ở Vĩnh Phúc khá nhỏ hẹp.

Trước thực trạng này, Đảng bộ tỉnh đã xác định phải nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tập trung xóa đói, giảm nghèo cho người dân, từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh giàu mạnh.

Tại Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 1996-2000, Vĩnh Phúc xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ sang công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ.

Nhiệm kỳ XIV (2005-2010), Tỉnh ủy đã ban hành nhiều Nghị quyết mở đường cho sự phát triển vượt bậc của Vĩnh Phúc; trong đó, có các Nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân đến năm 2010, định hướng đến năm 2020... Cụ thể hóa các nghị quyết này, các cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp triển khai hiệu quả hàng loạt các chương trình, đề án trọng điểm.

Vĩnh Phúc nhanh chóng tập trung quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, khoa học công nghệ hiện đại và làm ra những sản phẩm có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhiều người dân trong và ngoài nước.

Nhờ các chính sách thông thoáng và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư, "tiếng lành đồn xa" Vĩnh Phúc đã có hàng loạt các doanh nghiệp lớn và uy tín đến tỉnh đầu tư, như Toyota, Honda, Daewoo Bus, Piaggio, Prime Group...

Đến nay, Vĩnh Phúc đã có gần 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động,thu hút gần 100.000 lao động. Chỉ tính trong năm năm qua (nhiệm kỳ 2005- 2010), tỉnh đã thu hút hơn 500 dự án mới, trong đó có 113 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 1,85 tỷ USD; 394 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 20.497,8 tỷ đồng.

Ðến nay, Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch 20 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 6.000ha; trong đó, có 9 khu công nghiệp được thành lập, đã và đang trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, khai thác hoạt động có hiệu quả.

Công tác tổ chức xây dựng Đảng được các cấp ủy Đảng quan tâm thường xuyên. Các cấp ủy Đảng đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện đảng viên được chú trọng. Công tác quy hoạch cán bộ được triển khai thực hiện tốt, tạo thế chủ động trong công tác cán bộ. Mỗi năm Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được trên 2.000 đảng viên.

Những thành tựu mới đầy ấn tượng


Trong nhiệm kỳ XIV (2005- 2010), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Vĩnh Phúc đạt 17,4%/năm, trong khi mục tiêu Đại hội đề ra là 14-14,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông-lâm nghiệp-thuỷ sản, uớc năm 2010 giá trị công nghiệp-xây dựng chiếm 56,03%; dịch vụ: 30,23%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản: 13,74%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 31 triệu đồng, tương đương 1.630 USD, gấp 3,45 lần so với năm 2005.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 31,8%, trong đó thu nội địa chiếm tỷ trọng trên 80% tổng thu. Trong 5 năm 2006-2010 tổng thu ngân sách đạt trên 42.200 tỷ đồng, tăng 4,3 lần so với tổng thu 5 năm 2001-2005, trong đó thu nội địa tăng gấp 6 lần. Năm 2008, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 9.229 tỷ đồng, năm 2009 đạt gần 10.200 tỷ đồng và dự kiến năm 2010 thu ngân sách của Vĩnh Phúc đạt tới 12.000 tỷ đồng.

Có nguồn thu ngân sách lớn, tỉnh Vĩnh Phúc đã có chủ trương đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới hỗ trợ nông dân, huy động các nguồn lực đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh cho khu vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006-2010 khoảng 2.300 tỷ đồng. Nguồn kinh phí trên tỉnh đã xây dựng hệ thống giao thông nông nông, tu bổ và nâng cấp các công trình hồ chứa nước, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao cho nông dân, miễn và giảm thuỷ lợi phí cho nông dân ở tất cả các địa phương trong tỉnh...

Đến nay có 95,7% tuyến tỉnh lộ, 67% tuyến giao thông nông thôn được cứng hóa. Các tuyến xe buýt được mở đến tất cả các huyện, thành, thị. Hệ thống điện được chú trọng cải tạo, nâng cấp, xây mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống. Đến nay 100% xã phủ lưới điện quốc gia, 97% dân số được dùng điện lưới. Mạng lưới viễn thông phủ sóng rộng, chất lượng đảm bảo, đáp ứng yêu cầu.

Tiếp tục khai thác những tiềm năng, lợi thế

Một trong những vấn đề mà gần đây được Vĩnh Phúc quan tâm là tiếp tục khai thác những tiềm năng, lợi thế để phát triển. Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng ổn định, bền vững; không ngừng nâng cao quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đi đôi với phát triển kinh tế, chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa- xã hội. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo; đảm bảo an sinh xã hội; từng bước thu hẹp khoảng cách về thu nhập.

Ngoài các sản phẩm công nghiệp đã có, tỉnh đang thu hút một số ngành công nghiệp điện tử, máy tính xách tay, sản phẩm công nghệ cao... Tiếp tục đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả ngành "công nghiệp không khói" trước mắt tập trung vào khu nghỉ mát thị trấn Tam Đảo, danh thắng Tây Thiên, Đầm Vạc, Hồ Đại Lải, hệ thống di tích, các công trình văn hóa tín ngưỡng nói chung.

Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2010 cơ cấu kinh tế công nghiệp-xây dựng chiếm từ 61-62%; dịch vụ 31-32% và nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 6,5-7%. Cơ cấu lao động công nghiệp, dịch vụ chiếm 65-70%./.

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục