Thị trường nông sản thế giới đi xuống trong tuần qua

Giá cả phần lớn các loại hàng hóa nông sản đều đi xuống trong tuần qua do giao dịch ảm đạm vì tuần nghỉ Tết nguyên đán kéo dài ở châu Á.
Giá cả phần lớn các loại hàng hóa nông sản đều đi xuống trong tuần qua do giao dịch ảm đạm vì tuần nghỉ Tết nguyên đán kéo dài ở nhiều nước châu Á, trong đó có Trung Quốc - thị trường tiêu thụ nguyên liệu thô lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Bên cạnh đó, giới đầu tư còn có tâm lý nghỉ ngơi, chờ đợi kết quả cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng của nhóm G20 tại Mátxcơva (Nga).

Cacao, đường

Trong tuần qua, giá đường và cacao đều đã chạm xuống các mức thấp nhất mới trong nhiều tháng do nguồn cung dồi dào, trong đó giá đường thậm chí còn giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm rưỡi qua.

Đóng cửa phiên cuối tuần ngày 15/2 trên Sàn giao dịch nông sản New York (NYBOT-ICE), giá cacao giao tháng 5/2013 trượt xuống 2.149 USD/tấn so với 2.243 USD/tấn của cuối tuần trước nữa, trong khi tại Sàn giao dịch nông sản London (LIFFE), giá một tấn cacao giao tháng 3/2013 cũng tụt xuống còn 1.425 bảng Anh so với 1.455 bảng Anh của cuối tuần trước nữa.

Tương tự, giá đường thô giao tháng 5/2013 tại NYBOT-ICE giảm xuống còn 17,85 xu Mỹ/pound so với 18,19 xu Mỹ/pound của cuối tuần trước nữa.

Còn tại LIFFE, giá đường trắng giao tháng 5/2013 trượt xuống 491,30 xu Mỹ/pound so với 490 xu Mỹ/pound từ cuối tuần trước nữa.

Càphê

Giá càphê thế giới tuần qua cũng không tránh khỏi xu thế giảm mặc dù nguồn cung khá hạn hẹp.

Tại LIFFE, giá càphê Robusta giao tháng Năm tụt xuống 2.055 USD/tấn so với 2.136 USD/tấn của cuối tuần trước nữa. Còn tại NYBOT-ICE, giá càphê Arabica giao tháng Năm cũng lùi về 140,50 xu Mỹ/pound so với 140,80 xu Mỹ/pound của cuối tuần trước nữa.

Tại Ấn Độ, giá càphê Arabica của nước này cũng giảm theo xu hướng chung của toàn cầu mặc dù mùa thu hoạch năm nay tại nước này dự kiến giảm khoảng 20% so với vụ trước. Sản lượng càphê tăng tại Brazil và Colombia - hai nước sản xuất càphê lớn của thế giới - đã làm giảm giá càphê từ 3 USD/pound xuống còn 1,38 USD/pound.

Tờ Thời báo kinh tế ngày 16/2 cho biết, giá càphê Arabica quyết định giá càphê chung của toàn cầu, bởi loại càphê này chiếm tới 2/3 sản lượng càphê thế giới. Hai năm liên tục Brazil được mùa càphê đã kéo giá càphê toàn cầu giảm.

Tuy nhiên, giá càphê trên thị trường thế giới phục hồi nhẹ trong tháng Một vừa qua do lo ngại về bệnh sâu lá tại khu vực Trung Mỹ. Mặc dù càphê Robusta chiếm phần lớn sản lượng càphê của Ấn Độ, giá càphê Ấn Độ vẫn giảm theo xu hướng chung của toàn cầu.

Ông Ramesh Rajah, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu càphê Ấn Độ cho rằng, người trồng càphê Ấn Độ đã phải chịu “cú đánh kép” là sản lượng thấp hơn và giá cũng thấp hơn.

Giá càphê Arabica thô tại Ấn Độ đã giảm 1.000 rupee, xuống còn 7.400 rupee (khoảng 138 USD)/bao loại 50kg. Mặc dù các nhà xuất khẩu có thể thu mua càphê giá rẻ song việc xuất khẩu không tăng như mong đợi.

Theo ông Rajah, các nước nhập khẩu càphê chưa mặn mà ký các hợp đồng mới trong khi các hợp đồng cũ đã hết. Hiệp hội càphê Ấn Độ ban đầu ước tính mùa càphê năm 2012-2013 sẽ đạt 100.000 tấn, nhưng do sâu bọ nên sản lượng chỉ có thể đạt 80.000 tấn.

Tuy nhiên, ông Anil Bhandari, cựu thành viên của Hiệp hội càphê Ấn Độ cho rằng tình trạng giảm giá trên chỉ trong ngắn hạn, tình hình có thể thay đổi bởi nhu cầu chung vẫn tốt. Theo ông, khi giá càphê Arabica tăng cách đây hai năm, nhiều người chuyển sang mua càphê Robusta giá rẻ hơn.

Hiện nay, dù giá càphê Arabica xuống song sẽ có sự thay đổi. Do đó, nhu cầu càphê Robusta mạnh sẽ bảo đảm bình ổn giá. Giá càphê Robusta hiện vẫn trên 2.000 USD/tấn trên thị trường thế giới.

Các nhà phân tích cho rằng, cơ hội để giá càphê Robusta lên vẫn mạnh bởi sản lượng càphê Robusta của Việt Nam - nước sản xuất loại càphê này lớn nhất thế giới - năm nay chỉ đạt 25 triệu bao (mỗi bao 60kg) so với 27 triệu bao của năm ngoái.

Giá các nông sản khác như lúa mỳ, ngô và đậu tương cũng đều giảm trong tuần qua./.

Thùy Chi-Minh Lý (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục