Người dân háo hức đi xem bản đồ cổ Trung Quốc

Nhiều người phấn khởi khi xem tấm bản đồ do Trung Quốc xuất bản năm 1904 chỉ rõ chủ quyền nước này không có Hoàng Sa, Trường Sa.
Bất chấp cái nắng chan lửa trên đầu, rất đông người dân và khách du lịch quốc tế đã đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam để “tận mục sở thị” tấm bản đồ cổ “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư bản đồ” của Trung Quốc. Mấy chục năm không đặt chân tới Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, lần trở lại này, ông Nguyễn Sơn Hữu (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ chăm chăm tìm tấm bản đồ cổ do tiến sĩ Mai Ngọc Hồng trao tặng Bảo tàng. Mái tóc bạc phơ, ông Hữu bảo trong tâm khảm của ông Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, và việc đến xem bản đồ cũng chỉ để cho biết và cũng để “đo đếm” xem ngày trước nhà Thanh đo đạc mốc giới có tôn trọng lịch sử… Và, khi nhìn thấy tấm bản đồ, ông Hữu đã nở nụ cười mãn nguyện. Đưa tay chỉ mốc giới trên bản đồ cho những người trẻ tuổi đứng quanh mình, người lính đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy này bảo rằng, đây chính là bằng chứng lịch sử, chứng minh triều nhà Thanh công nhận cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam… “Tấm bản đồ được in bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Pháp vào năm 1904, thể hiện rất rõ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này chứng tỏ, việc bây giờ họ khăng khăng nói hai quần đảo ấy của mình là hết sức vô lý,” ông Hữu nói. Đồng tình, ông Nguyễn Phương, một người dân của Hà Nội cho hay, bản đồ do chính người Trung Quốc phát hành ra nên không thể nói đây là một sự giả tạo của nước khác nhằm “lấn chiếm” Trung Quốc được. Hơn thế, tấm bản đồ được làm vô cùng công phu với công sức của các giáo sĩ, những người giỏi về thiên văn, địa lý trong suốt gần 200 năm, có giá trị lớn về mặt khoa học. “Tấm bản đồ cổ này cùng nhiều chứng lý của các học giả quốc tế sẽ là một bộ chứng lý có giá trị pháp lý quốc tế, chứng minh sự thật Hoàng Sa và Trường Sa là của quốc gia nào. Và, nếu có một tòa án quốc tế đứng ra giải quyết vấn đề này thì đây là chứng cứ không thể bỏ qua,” ông Phương nói. Cũng theo ông, nếu một quốc gia không thừa nhận tấm bản đồ do triều đại xưa làm nên thì cũng chứng tỏ họ không trú trọng đến văn hóa của chính mình. Ông Hữu và ông Phương cho rằng việc trưng bày bản đồ cổ là rất cần thiết. Bên cạnh việc để người dân trong nước đến tìm hiểu, nó còn đem thông tin đến cho cộng đồng bạn bè quốc tế đến thăm Việt Nam hiểu rõ đâu là sự thật về chủ quyền biển đảo của đất nước hình chữ S. Ở một góc khác, Trần Thanh Trà, một du học sinh tại Trung Quốc đang về nghỉ phép tại Việt Nam cho biết, rất nhiều lần em tranh luận với bạn bè người Trung Quốc về chủ quyền biển đảo của Việt Nam song đều “bất phân thắng bại.” “Sau khi đọc báo, em đã copy lại ảnh tấm bàn đồ này trên mạng và gửi cho người bạn bằng thư điện tử. Và, bạn ấy đã đuối lý nên không tranh cãi nữa. Hôm nay em lại đến Bảo tàng để nghe các nhà nghiên cứu đến xem và giảng giải thêm về mốc giới,” Trà nói.

Bản đồ cổ của Trung Quốc cho thấy cực Nam của đất nước này chỉ đến đảo Hải Nam.
(Ảnh: T.H/Vietnam+)
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, tiến sĩ Vũ Quốc Hiền, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho hay, từ khi trưng bày tấm bản đồ này, Bảo tàng đã ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của người dân cũng như các nhà nghiên cứu. Về góc độ giá trị khoa học, ông Hiền nói bản đồ này đã thể hiện tính khách quan của lịch sử. Theo đó, đến đầu thế kỷ 20, Trung Quốc mới chỉ xác định chủ quyền đến đảo Hải Nam, trong khi đó Bản đồ Đại Nam Nhất thống toàn đồ xuất bản năm 1836 dưới triều Minh Mạng đã xác định rõ quần đảo Hoàng Sa và Đại lý Trường Sa thuộc Việt Nam. Điều này có thể khẳng định, Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam chứ không phải là vùng tranh chấp. Qua việc hiến tặng bản đồ cổ của tiến sĩ Mai Hồng, ông Hiền hy vọng những tư liệu lịch sử còn tồn tại trong dân hoặc trong các cơ quan lưu trữ của nhà nước sẽ sớm được công bố để phục vụ cho việc nghiên cứu, tập hợp dữ liệu để có thêm chứng cứ khoa học, rõ ràng về mảnh đất máu thịt Hoàng Sa và Trường Sa./.
Yên Thủy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục