Cây anh đào và ảnh hưởng với người Đài Loan TQ

Tại đảo Đài Loan (Trung Quốc),sự hiện diện của những cây hoa anh đào thể hiện ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản với cư dân bản địa.
Những ngày này, 10.000 người Đài Loan (Trung Quốc) đã tham gia chiến dịch trồng cây anh đào để có thể thưởng ngoạn cảnh hoa anh đào nở trong một vài khoảnh khắc quý giá vào mỗi mùa xuân, giống như ở Nhật Bản. "Khi bạn nhìn những bông hoa, bạn gần như cảm thấy bạn đang ở Nhật Bản," nữ doanh nhân 50 tuổi Susan Wu cho biết khi cô bước lên một con đường được viền bởi những cây anh đào nở đầy hoa màu trắng và hồng tại Beitou, ngoại ô của Đài Bắc. Trong một thói quen đã trở nên phổ biết trong từ 2 đến 3 năm trở lại đây, người Đài Loan đã đổ xô đến những điểm tham quan đang có nguy cơ bị ùn tắc - chỉ để được nhìn thấy hoa anh đào, với tên gọi "sakura" ở Nhật Bản. Khu vực núi Beitou đã trở thành một thỏi nam châm hút du khách sau khi một quan chức địa phương bắt đầu mở một chiến dịch kêu gọi người dân địa phương trồng cây hoa anh đào, một điều rất khó tưởng tượng đối với hơn 400 hộ gia đình. "Không nhiều người biết được địa điểm này trước đây, nhưng giờ đây nó đã trở nên nổi tiếng bởi vì mọi người đã kết nối nó với hoa anh đào," Ching Rong-hui, một quan chức giám sát khu vực trồng hoa anh đào của Beitou cho biết. Những khu vực khác của Đài Loan đã tham gia vào hoạt động này, đặt tiền cho những nông dân ở Sanchih, một khu vực nông thôn bên ngoài Đài Bắc giờ đây cung cấp hơn 600.000 cây anh đào giống mỗi năm. "Rất nhiều nông dân trồng cây anh đào đã được hưởng lợi từ xu hướng này," Chou Zheng-nan, một quan chức tại Hiệp hội nông dân Sanchih cho biết, nhưng từ chối cung cấp số liệu. Nhật Bản được biết đến với việc sử dụng cây anh đào như một cử chỉ thiện chí, và tại Washington DC, thời kỳ hoa anh đào nở là một điểm nhấn hàng năm. Nhưng tại Đài Loan còn nhiều hơn thế. Các nhà phân tích cho rằng nỗi ám ảnh với với sakura - một biểu tượng quan trọng của văn hóa Nhật Bản - thể hiện tầm ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản đối với người dân hòn đảo này, có lẽ chỉ đứng sau ảnh hưởng văn hóa từ đại lục. "Ảnh hưởng của Nhật Bản là rất lớn, từ cơ sở hạ tầng cho đến tư duy và hành vi của người dân địa phương," Lee Shiao-feng, một giáo sư về văn hóa tại trường đại học quốc gia Đài Bắc cho biết. Nhật Bản đã cai trị Đài Loan sau một cuộc chiến ngắn ngủi từ năm 1895 cho đến khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Những năm đầu tiên dưới sự cai trị của Nhật Bản khá khắc nghiệt, những phản kháng đều bị nghiền nát một cách tàn khốc, nhưng sau đó Nhật Bản đã dần dần phát triển kinh tế đảo này. Nhật Bản đã xây dựng một đường xe lửa nối liền hai miền Nam và Bắc, xây dựng bến cảng và nhà máy điện, dịch bệnh giảm và tỷ lệ người biết chữ gia tăng. "Những dự án phát triển của Nhật Bản đã đặt nền móng cho Đài Loan để bước vào một xã hội tiền hiện đại," Lee nói. "Trong quá trình này, người Đài Loan dần biết cách chơi bóng chày cũng như yêu thích cây hoa anh đào và vui chơi trong các suối nước nóng, khi họ cố gắng bắt chước theo những người cai trị mình." Kể từ năm 1945, ảnh hưởng của Nhật Bản đã gần như không suy giảm và được thế hệ trẻ Đài Loan chấp nhận, khi họ tiếp xúc với phim truyền hình Nhật Bản, nhạc pop và các chương trình truyền hình chia sẻ về những món ăn Nhật Bản cũng như các điểm tham quan.

Người Đài Loan (Trung Quốc) thưởng ngoạn hoa anh đào (Nguồn: AFP)

Điều này hoàn toàn khác với bán đảo Triều Tiên, mà Nhật Bản đã cai trị từ năm 1910 đến 1945, khi nơi này vẫn còn bị ám ảnh bởi những ký ức về cuộc sống khắc nghiệt và tàn bạo dưới ngọn cờ cai trị của đất nước Mặt trời mọc. Người Nhật Bản cũng đã phát triển hoa anh đào ở Hàn Quốc, song người dân nơi đây đã thay thế những cây hoa của Nhật Bản bằng những cây bản địa. Điều này rõ ràng là ngược lại với Đài Loan, nhưng các học giả tại Đài Loan nói rằng những người yêu hoa anh đào của hòn đảo này sẽ phải mất một chút thời gian để hiểu được những ý nghĩa của triết học của hoa anh đào trong nền văn hóa Nhật Bản. "Khi người dân Đài Loan đánh giá cao hoa anh đào, họ chỉ đơn giản là bị ấn tượng bởi vẻ đẹp của những bông hoa đó. Chỉ có vậy," Maa Yaw-huei, trưởng khoa Nhật Bản tại đại học Tamkang của Đài Bắc cho biết. "Nhưng trong mắt của các đối tác Nhật Bản, đó là một cảm giác buồn rầu kết hợp với một vẻ đẹp thoáng qua. Nhìn những bông hoa đẹp dần héo tàn cũng là một ý niệm về cái chết." Người dân Đài Loan có thể xử sự như người Nhật, nhưng không suy nghĩ như họ, các nhà quan sát nói. "Mặc dù người Nhật đã thêm những yếu tố mới vào văn hóa Đài Loan, cấu trúc của văn hóa Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn," Lee nói./.
S.N (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục