Ngành điều thu lợi nhuận lớn, càphê mất uy tín

Trong khi Việt Nam tiến gần "giấc mơ" thu 1 tỷ USD từ hạt điều, uy tín là nước xuất khẩu càphê hàng đầu thế giới lại bị tổn thương.
Theo nhận định của mạng Times, trong khi Việt Nam đang tiến gần hơn tới "giấc mơ" thu 1 tỷ USD từ xuất khẩu hạt điều thông qua việc mở sàn giao dịch điện tử đối với mặt hàng này, uy tín là nước xuất khẩu càphê hàng đầu thế giới của Việt Nam đang bị tổn thương.

Với 37% thị phần trên thị trường xuất khẩu hạt điều toàn cầu hiện nay, Việt Nam hy vọng sẽ có một nguồn thu ngoại tệ lớn.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã đầu tư khá nhiều để tăng cường các cơ sở hạ tầng chế biến hạt điều, qua đó có thể nhập khẩu hạt điều từ các nước láng giềng như Lào để chế biến và củng cố vững chắc vị trí là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới.

Trong số 500.000 tấn hạt điều được bán ra thị trường hàng năm, có tới 180.000 tấn được bán ra từ tỉnh Bình Phước. Tỉnh này trồng gần 200.000ha điều, tương đương 45% đất nông nghiệp của cả tỉnh). Giá hạt điều xuất khẩu của Việt Nam hiện vào khoảng 1.200 USD/tấn.

Trong khi đó, một cuộc họp dự kiến được tổ chức ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 21/5 để đưa ra quyết định cuối cùng về việc thiết lập hiệp hội hạt điều toàn cầu, với bốn thành viên sáng lập là Việt Nam, Ấn Độ, Brazil và Liên minh châu Phi.

Tuy nhiên, trong khi Việt Nam tập trung cho hạt điều thì ngành xuất khẩu càphê lại đang "lao đao" vì sự "bất tín."

Trong gần một thập kỷ không ngừng nỗ lực, Việt Nam đã thiết lập được hình ảnh là nước xuất khẩu càphê lớn thứ hai thế giới, sau Brazil, và là nhà sản xuất càphê vối (robusta) lớn nhất.

Các thương gia càphê trên thế giới đã tăng cường giao dịch với Việt Nam và coi Việt Nam là một nguồn cung đáng tin cậy, nhưng nhiều nhà sản xuất càphê của Việt Nam đã bắt đầu "sai hẹn" trong việc thực hiện các hợp đồng đối với các nhà buôn quốc tế lớn, làm mất uy tín của họ, khiến cho các nhà nhập khẩu ở châu Âu và Mỹ phải vội vã đi tìm kiếm các nguồn cung thay thế.

Các nhà kinh doanh càphê Việt Nam đã lấy lý do vụ thu hoạch năm nay là tồi tệ nhất trong gần 10 năm qua để biện minh cho việc lỗi hẹn các hợp đồng. Mặc dù vụ thu hoạch có bị thất vọng đôi chút, vấn đề chính đối vối các nhà xuất khẩu là tài chính.

Nhiều người đã đánh cược vào giá càphê trong tương lai, vay nhiều tiền để duy trì hoạt động. Nhưng nhu cầu vay vốn của họ gặp trở ngại vì lúc này chính phủ đang nỗ lực giảm tốc độ cho vay, khiến họ lâm vào tình trạng "vỡ tín dụng."./.

Minh Tuấn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục