Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn Tu Vũ

Khu lưu niệm truyền thống-tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 88-Tu Vũ Anh hùng có diện tích 1.200m2 được xây dựng tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên.

Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, ngày 23/7, tại xóm Gò Pháo, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, Ban Liên lạc Trung đoàn 88 -Tu Vũ đã tổ chức khánh thành Khu lưu niệm truyền thống-tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 88-Tu Vũ Anh hùng.

Công trình có diện tích 1.200m2 được xây dựng theo kiến trúc cổ Phương Đông gồm đền liệt sĩ, nhà bia ghi danh 6.000 liệt sĩ của Trung đoàn qua các thời kỳ kháng chiến và làm nhiệm vụ quốc tế, trụ bia ghi lại thành tích trong các giai đoạn lịch sử chiến đấu của Trung đoàn, giá đặt thanh gươm Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng năm 1949, hồ sen, cầu đá. Tổng công trình có trị giá gần 2 tỷ đồng.

Công trình được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 được xây dựng và khánh thành vào tháng 7/2004 và giai đoạn 2 được xây dựng và khánh thành nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trung đoàn.

Tại nơi này cách đây tròn 60 năm, Trung đoàn 88 được thành lập trực thuộc Đại đoàn 308. Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn đã lập công xuất sắc trong 10 chiến dịch lớn do Bộ Tổng tư lệnh mở trên các chiến trường chính Bắc Bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó có chiến dịch Hòa Bình từ tháng 12/1951 đến tháng 2/1952, tiêu diệt cụm cứ điểm Tu Vũ, đánh địch trên đường số 6, bao vây tiến tới giải phóng thị xã Hòa Bình.

Sau chiến thắng này, Trung đoàn được Bác Hồ đặt tên là "Trung đoàn Tu Vũ". Ngày 31/12/1965, Trung đoàn được bổ sung thêm quân số và phát triển thành 2 Trung Đoàn: Trung đoàn Tu Vũ 88A và Trung đoàn Tu Vũ 88B (Sư đoàn 308), trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung doàn Tu vũ 88B ngoài việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, làm nhiệm vụ dự bị chiến lược của Bộ Quốc phòng, Trung đoàn còn trực tiếp tham gia các mặt trận Khe Sanh; Đường 9 Nam Lào (Quảng Trị)… Trung đoàn Tu Vũ 88A trực tiếp tham gia các chiến trường ở Tây Nguyên; miền Đông Nam bộ... đánh chiếm Tổng nha cảnh sát; Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy và tiếp quản thành phố Sài Gòn.

Sau giải phóng miền Nam 30/4/1975, Trung đoàn tham gia làm nhiệm vụ quốc tế (1979 - 1989) tại Cam Pu Chia; giúp nước bạn xây dựng và bảo vệ chính quyền.

Trong suốt chặng đường chiến đấu, 6.000 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia... Trung đoàn đã 3 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân vào các năm 1979, 1989, 2000 và 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục