Thăng trầm đồng euro

Nhìn lại chặng đường thăng trầm của đồng euro

Kỳ vọng ban đầu hiện đã không còn, cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến đồng euro bộc lộ dần cái gốc gác ra đời yếu ớt của nó.
Ra đời ngày 1/1/1999 tại một thị trường chung gồm 12 nước châu Âu với 304 triệu dân, nhưng đồng euro chỉ thực sự trở thành đồng tiền thật bằng giấy, bằng xu và đi vào cuộc sống thường ngày của người tiêu dùng cách đây đúng 10 năm và trở thành đồng tiền chung của 322 triệu dân tại 17 nước.

Thế nhưng trong dịp kỷ niệm này, đồng euro đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ ngày chào đời. Bao nhiêu kỳ vọng buổi ban đầu giờ hầu như không còn nữa, khủng hoảng tài chính đã khiến đồng euro bộc lộ dần cái gốc gác ra đời yếu ớt của nó.

Trên thực tế, đây là cuộc khủng hoảng thứ hai mà đồng euro phải đối mặt. Trước đó, giai đoạn 1999-2000, khi mới chỉ là "tiền ảo," đồng euro đã bị các thị trường tấn công dữ dội. Từ chỗ 1 euro đổi 1,17 USD lúc ban đầu, mỗi euro chỉ còn đổi được 0,82 USD vào tháng 10/2000, khiến nhiều người dân châu Âu không khỏi mơ hồ lo lắng về tương lai của mình.

Các ngân hàng trung ương châu Âu đã hốt hoảng can thiệp đồng loạt để ngăn chặn đà rơi tự do của đồng tiền chung này. Và khi đó đồng euro cũng dần tự khẳng định được mình trước các đồng tiền lớn của thế giới. Tháng 7/2008, thậm chí euro còn đạt vị thế cao nhất so với đồng USD Mỹ, với tỉ lệ 1 euro đổi 1,60 USD và đồng thời trở thành đồng tiền dự trữ thứ hai của thế giới.

Với đồng euro, các mục tiêu chính mà các nhà soạn thảo Hiệp ước Maastricht 1992 đề ra đã được thực hiện như lạm phát được làm chủ (trung bình dưới 2% mỗi năm), các khủng hoảng tiền tệ (kiểu như giai đoạn 1992-1993) bị vô hiệu hóa, trao đổi nội khối châu Âu được tăng cường nhờ giải quyết được các nguy cơ hối đoái, tỷ lệ lãi suất hợp lý chưa từng có… Tất cả đều cho phép tạo ra nguồn tài chính thuận lợi cho kinh tế châu Âu.

Nhưng khủng hoảng ngân hàng, tài chính và kinh tế năm 2007 tại Mỹ và tình trạng nợ công tăng chóng mặt sau đó (trung bình 20 – 30%) đã phá hỏng tất cả, khiến nhiều nước giật mình thon thót trước những phát lộ khiếm khuyết trong quan niệm sử dụng đồng tiền chung. Song dường như những yếu kém này không khiến các cha đẻ của đồng euro ngạc nhiên vì "đó là một tác phẩm chưa hoàn thiện."

Các tác giả này khẳng định do thiếu ý chí chính trị, đồng euro chưa được kèm theo một liên minh tiền tệ và kinh tế, bởi nước nào cũng muốn được tự do quyết định các vấn đề của mình.

Tháng 12 năm 1998, Hans Tietmeyer, Tổng Giám đốc Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank cho rằng: "Cần phải có sự hội nhập chính trị hơn nữa ở cấp độ châu Âu. Nếu ai cũng muốn làm theo ý của riêng mình thì chắc chắn sẽ dẫn đến những xung đột xung quanh chính sách tiền tệ siêu quốc gia." Vì thế, không phải tình cờ khi dự án liên minh tiền tệ đầu tiên mang tên "Kế hoạch Werner" năm 1970 muốn đưa khoản mục chuyển giao phần lớn quyền quyết định ngân sách lên mức độ cộng đồng chung, và việc thực hiện liên kết tài chính giữa các nước thành viên.

Tuy nhiên, khi Hiệp ước Maastricht ra đời, các nhà soạn thảo vẫn hy vọng việc chuyển sang sử dụng đồng euro sẽ tạo một xung lực mới hay một "cú sốc liên bang" ở châu Âu. Nhưng thực tế lại diễn ra trái ngược, hội nhập cộng đồng đã bị đình lại. Thậm chí năm 2003, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức lúc bấy giờ là Jacques Chirac và Gerhard Schröder còn làm cho tan tành mọi nỗ lực bằng những áp đặt trong chính sách tài chính riêng. Vậy là thay vì tập trung, các nền kinh tế khu vực đồng euro đã bị phân tán để tranh thủ cái ô của đồng tiền chung.

Năm 2009, thị trường bắt đầu nghi ngờ về khả năng hoàn nợ của một số nước sử dụng đồng euro và vì vậy, đã tìm cách tháo chạy khỏi những nước bị đánh giá là "chúa chổm" và buộc họ phải vay mượn với những điều kiện ngày càng bất lợi. Và thế là khu vực đồng euro phải vắt chân lên cổ xây dựng một kỷ luật kinh tế để tránh phải chứng kiến một Hy Lạp thứ hai chứ chưa nói gì đến chuyện thiết lập một "liên bang châu Âu." Cả Paris và Berlin đều không muốn có một ngân sách cộng đồng bổ sung, đặc biệt là việc phát hành trái phiếu châu Âu.

Có thể phải mất một thời gian dài khủng hoảng mới kết thúc, và để vãn hồi khu vực, trước hết các nước châu Âu phải xây dựng được một hệ thống đủ thuyết phục các thị trường. Nhưng trong thời gian đó một câu hỏi được đặt ra là liệu đồng euro có nguy cơ biến mất? Và có ai được lợi khi từ bỏ đồng tiền chung? Câu trả lời là không ai cả. Ngay cả khi không có đồng euro, các nước nợ đầm đìa nhất cũng phải giải quyết ổn thỏa vấn đề ngân sách công trong mọi trường hợp, và số nước này sẽ không thể làm được gì nếu thiếu cái ô của đồng tiền chung và sự liên kết châu Âu.

Đây chính là lý do giải thích tại sao tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 8-9/12 vừa qua, tất cả các thành viên EU, ngoại trừ Anh, buộc phải quyết định ký vào hiệp ước về tăng cường quản lý kinh tế trong tương lai gần. Các nước này tin rằng sự kiện này chính là bằng chứng tốt nhất cho niềm tin vào sự phục hưng các giá trị của đồng euro./.

Nguyễn Tuyên/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục