Người dân vẫn lơ là với “kẻ giết người thầm lặng”

Tại Viện Tim mạch Việt Nam có rất nhiều trường hợp đáng tiếc do điều trị không thường xuyên gây liệt người, suy tim, thậm chí tử vong.
Nhiều người dân hiện nay coi thường bệnh tăng huyết áp vì cho rằng nó không thật sự nguy hiểm. Nhân ngày tăng huyết áp thế giới 17/5, giáo sư Nguyễn Lân Việt - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cảnh báo, chính sự “lơ là” về bệnh này đã làm cho rất nhiều bệnh nhân phải gánh chịu những hậu quả nặng nề như tử vong, suy tim, suy thận, liệt nửa người... Biến chứng nặng do tăng huyết áp Ông Việt dẫn chứng, tại Viện Tim mạch Việt Nam đã gặp rất nhiều trường hợp đáng tiếc do bệnh lý tăng huyết áp gây ra do người dân nhập viện muộn, bệnh đã gây những biến chứng nặng nề. Bệnh nhân mới nhất bị liệt nửa người do hậu quả của bệnh tăng huyết áp gây ra đang được điều trị tại Viện Tim mạch Việt Nam là bà Đỗ Thị Ng. (63 tuổi) ở quận Ba Đình, Hà Nội. Người nhà của bệnh nhân cho biết, trước khi vào viện 2 ngày, bệnh nhân đột ngột bị liệt nửa người bên trái. Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hoài – Trưởng khoa khám bệnh theo yêu cầu (Viện Tim mạch Việt Nam) cho hay, khi vào viện, huyết áp của bệnh nhân đo được là 150/100 mmgHg. Qua các xét nghiệm, các bác sỹ chẩn đoán xác định bệnh nhân bị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu dẫn đến nhồi máu não. Sau 5 ngày điều trị, bên liệt của bệnh nhân đã có tiến triển hơn, huyết áp đã được kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, theo tiến sỹ Hoài, việc điều trị mất rất nhiều thời gian và kinh phí. Để vận động được lại, bệnh nhân phải điều trị lâu dài, mất hằng năm mới hồi phục được. Trước bệnh nhân Ng, Viện Tim mạch Việt Nam cũng tiếp nhận một bệnh nhân Nguyễn Thị D. ở Cầu Giấy, Hà Nội có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim do hậu quả của việc tăng huyết áp gây ra. Bà D. vốn bị bệnh tăng huyết áp nhiều năm nay kèm theo bệnh tiểu đường. Tuy nhiên bệnh nhân cũng chủ quan, điều trị bệnh tăng huyết áp không đều. Bệnh nhân vào viện vì có một cơn đau thắt ngực dữ dội vùng trước tim. Khi nhập viện, huyết áp của bệnh nhân lên tới 160/100mmgHg. Qua các xét nghiệm, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị tăng huyết áp gây ra hậu quả thiếu máu cơ tim cục bộ, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim. Bác sỹ Hoài nhận định, hai bệnh nhân trên bị những biến chứng đó do điều trị bệnh tăng huyết áp không đều, không thường xuyên.


Bác sỹ thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân bị liệt nửa người do biến chứng của bệnh tăng huyết áp
(Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Báo động tỷ lệ 4:1 Giáo sư Việt cho hay, những năm gần đây, số lượng người bị bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam đang tăng lên. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 11 triệu người bị tăng huyết áp. Tại Việt Nam, theo điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch tại 8 tỉnh và thành phố, thì tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên là 25%. Như vậy, cứ 4 người Việt Nam trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp. Theo giáo sư Việt, tăng huyết áp là một căn bệnh nguy hiểm và ngày càng có xu hướng tăng lên một cách rất rõ rệt ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng nhiều người dân chưa có những kiến thức đầy đủ hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của bệnh. Đáng lưu ý, có 30% số người biết bị tăng huyết áp nhưng không điều trị. Hậu quả là có những bệnh nhân khi thấy có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì tiếp ngay sau đó bị tử vong do đã bị xuất huyết não nặng nề. Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cảnh báo, tăng huyết áp là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh trở nên tàn phế, nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não, suy thận… thậm chí có thể tử vong. Nói về những dấu hiệu của bệnh này, giáo sư Việt cho hay, bệnh như một “kẻ giết người thầm lặng” vì chỉ có một số ít các bệnh nhân tăng huyết áp là có một vài triệu chứng cơ năng gợi ý cho họ đi khám bệnh như đau đầu, chóng mặt, cảm giác “ruồi bay,” mặt đỏ bừng, ù tai… Trong khi đó, đa số các bệnh nhân bị tăng huyết áp thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước. Do đó, những dấu hiệu lâm sàng thể hiện bệnh thường không đặc hiệu và người bệnh có thể không thấy có gì khác biệt so với người bình thường. Vì vậy, để phòng bệnh, người bệnh cần kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ về tim mạch là hết sức cần thiết và quan trọng. Về việc phòng bệnh, theo giáo sư Việt, người dân cần điều chỉnh để có một lối sống hợp lý là vấn đề rất quan trọng trong việc phòng, chống bệnh tăng huyết áp. Người bị bệnh tăng huyết áp cần giảm cân nặng (nếu thừa cân), không hút thuốc lá, thuốc lào, không ăn mặn, tránh lo âu, căng thẳng và tập thể dục đều đặn hàng ngày... Theo các chuyên gia về tim mạch, hàng năm mỗi người dân nên khám sức khỏe định kỳ để nếu phát hiện được những bất thường về tần số tim hay nhịp tim để các bác sỹ có thể tư vấn và đưa ra hướng điều trị thích hợp nhất./.
Tăng huyết áp được định nghĩa là khi huyết áp của người bệnh (huyết áp tâm thu và/hoặc huyết áp tâm trương) cao hơn mức bình thường.

Theo tổ chức Y tế Thế giới, tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg.

Mỗi năm trên toàn thế giới có tới 9,4 triệu người tử vong do nguyên nhân trực tiếp là tăng huyết áp.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục