Indonesia triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển MP3EI

Indonesia đang triển khai kế hoạch phát triển kinh tế tổng thể nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sáu hành hang kinh tế trong kế hoạch phát triển tổng thể của Indonesia. (Nguồn: indonesia-investments.com)

Indonesia đang triển khai một cách hiệu quả chương trình phát triển dài hạn có tên gọi là Kế hoạch tổng thể mở rộng và đẩy nhanh phát triển kinh tế (MP3EI).

MP3EI là một chương trình đầy tham vọng, được Chính phủ Indonesia đưa ra hồi tháng 5/2011 và được coi là một bước đột phá chiến lược nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực, giảm tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước thông qua đổi mới.

MP3EI bao gồm hàng trăm dự án phát triển cơ sở hạ tầng nhằm xây dựng Indonesia thành sáu hành lang kinh tế về mặt địa lý, bao gồm các hành lang Sumatra, Kalimantan, Java, Sulawesi, Bali-Nusa Tenggara, và Papua-Maluku.

Đây cũng là sáu trung tâm kinh tế ngành, theo đó Sumatra sẽ là trung tâm sản xuất nông nghiệp và năng lượng; Java - công nghiệp và dịch vụ; Kalimantan - khai thác mỏ và năng lượng; Sulawesi và Bắc Maluku - nông nghiệp và thủy sản; Bali và Đông và Tây Nusa Tenggara -du lịch và hỗ trợ an ninh lương thực quốc gia; Papua và Maluku - tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực.

Phát biểu mới đây trong cuộc họp nội các nhằm xem xét và đánh giá kết quả ban đầu thực hiện kế hoạch MP3EI , Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã nhấn mạnh sự hài lòng về việc chương trình phát triển quốc gia mang tính chất chiến lược này đang được triển khai một cách hiệu quả, khi chỉ trong vòng hơn hai năm kể từ thời điểm được phát động cho đến nay đã có 259 dự án được triển khai với tổng vốn đầu tư 737.900 tỷ rupiah (khoảng 66,4 tỷ USD) trên cơ sở hợp tác giữa chính phủ với chính quyền cấp cơ sở và các doanh nghiệp, cũng như giữa khu vực công và khu vực tư nhân.

Tổng thống Yudhoyono nêu bật một kết quả quan trọng của việc thực hiện MP3EI là đã thu hút được sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài.

Cụ thể là trong số 259 dự án nói trên, 24,6% thuộc về khối doanh nghiệp nhà nước, 34,5% do khu vực tư nhân quản lý, 11,9% do vốn đầu tư của chính phủ, và 29% là đầu tư nước ngoài thông qua hình thức liên doanh.

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Hatta Rajasa cho biết các dự án đã được triển khai tại cả sáu hành lang kinh tế, sẽ giúp cân bằng cơ cấu và sức mạnh của các khu vực này so với hiện nay khi hai đảo Java và Sumatra là hai trung tâm kinh tế chủ yếu chiếm tới 70% GDP của cả nước.

Ngoài ra, các dự án cũng đang được triển khai đúng như ưu tiên của chính phủ đã đề ra là tập trung trước hết cho phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện kết nối đất nước với trên 17.000 hòn đảo nằm trải dài trên Thái Bình Dương từ Đông sang Tây này.

Quá trình thực hiện MP3EI còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh và tình trạng thủ tục hành chính quan liêu gây tốn kém, phức tạp, mất thời gian và phiền phức.

Theo ước tính của Chính phủ Indonesia, chỉ riêng để cải thiện cơ bản cơ sở hạ tầng trong phát triển trung hạn giai đoạn 2015-2020, đất nước “Vạn Đảo” đã cần một khoản vốn đầu tư lớn tới 4.800 nghìn tỷ rupiah (trên 430 tỷ USD) cho các dự án trong khuôn khổ MP3EI.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatin Basri nói rằng Indonesia là một trong những nền kinh tế mới nổi, cần thu hút nguồn vốn đầu tư dài hạn cho các dự án cơ sở hạ tầng tốt nhất để tăng cường và duy trì tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ không chỉ có lợi cho nền kinh tế đất nước mà còn mở ra những cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế tìm kiếm các dự án đầu tư dài hạn, ổn định và có lợi nhuận.

Ông Chatib Basri cho biết thêm, Chính phủ Indonesia thực sự đang dành ưu tiên ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng, bởi ngành xây dựng đóng góp tới 10,45% GDP của đất nước.

Thị trường xây dựng của Indonesia - ngày càng tăng mỗi năm cùng với sự phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của quốc gia, dự kiến sẽ đạt giá trị 400 nghìn tỷ rupiah năm 2013, tương đương 60% tổng giá trị thị trường xây dựng trong cùng kỳ của cả khối ASEAN.

Chỉ tính riêng trong năm 2012, ngành xây dựng đã tạo ra 6,3 triệu việc làm, chiếm 5% lực lượng lao động của Indonesia.

Trong năm 2013, Chính phủ Indonesia dành trên 190 nghìn tỷ rupiah (khoảng 20 tỷ USD) cho hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm mở rộng thêm 4.278km đường quốc lộ, 380km đường sắt và 15 sân bay mới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục