Người bán, kẻ mua chung nỗi lo vì giá "nhảy nhót"

Không chỉ người dân e ngại chuyện tăng giá mà các tiểu thương cũng lo lắng sức mua đã thấp nay sẽ còn giảm vì giá tiếp tục tăng.
Trong khi người dân chưa hết lo ngại giá cả sẽ tăng trong tháng 5 khi lương tối thiểu chính thức tăng thì đã phải đối diện với việc điều chỉnh giá xăng từ 20/4 - một đòn bẩy đẩy giá thực phẩm tăng sớm hơn và tăng cao hơn. Không chỉ người dân, các tiểu thương kinh doanh cũng lo lắng không kém việc tăng giá khiến sức mua đã thấp, nay sẽ càng ảm đạm hơn... Nhăm nhe tăng giá theo xăng Hiện nay, giá các loại lương thực, thực phẩm vẫn khá ổn định nhưng các tiểu thương kinh doanh tại các chợ đã bắt đầu thông báo có thể sẽ tăng giá trong mấy ngày sắp tới vì lý do xăng tăng giá. Theo các tiểu thương dự đoán, chi phí vận chuyển hàng từ chợ đầu mối về chợ lẻ sẽ tăng thêm khoảng 5.000-20.000 đồng/chuyến tùy địa điểm, vì thế giá một số mặt hàng có thể tăng chút ít. Chị Nguyễn Thị Thanh, một tiểu thương kinh doanh thịt bò tại chợ Thành Công cho biết: “Tôi vẫn bán hàng theo giá cũ nhưng sắp tới sẽ tăng giá chút ít vì giá vận chuyển tăng và hàng đầu mối có thể cũng sẽ tăng giá.” Một số loại thực phẩm như thịt lợn, rau xanh trong thời gian vừa qua đều trên đà giảm giá cũng có thể sẽ ngược dòng tăng giá trở lại khi hàng loạt các mặt hàng đều tăng giá. Chị Nguyễn Thị Chức, một tiểu thương kinh doanh rau tại chợ Ngã Tư Sở cũng cho biết: "Ngay cả rau xanh đang có nguồn cung dồi dào vì là chính vụ, giá rau xanh liên tục giảm mạnh nhưng trong thời gian tới, nếu nhiều mặt hàng tăng giá, có thể rau xanh cũng sẽ tăng giá theo, đặc biệt là một vài loại rau, củ, quả trái mùa." Mặc dù giá các thực phẩm thiết yếu chưa tăng ngay nhưng việc tăng giá xăng diễn ra vào đúng thời điểm chuẩn bị tăng lương khiến người dân không khỏi lo ngại về đợt tăng giá trong tháng 5. Chị Nguyễn Thu Trang (Khâm Thiên, Đống Đa) than thở: “Mặc dù chưa thấy mặt hàng nào tăng giá cao nhưng đi chợ cứ nghe nhiều cửa hàng thông báo sắp tăng giá lại thấy nản, lương tăng chẳng được bao nhiêu mà cái gì cũng tăng giá, phần tăng lương chẳng đủ bù vào tăng giá.” Đồng tình với quan điểm lương tăng không đủ bù các mặt hàng tăng giá, chị Đỗ Thu Quỳnh (Dịch Vọng, Cầu Giấy) nói: "Lương tăng được thêm khoảng 500.000-600.000 đồng thì cái gì cũng nhăm nhe tăng giá. Xăng tăng, rồi sữa cũng sắp tăng, thực phẩm thì cũng chờ tăng, giá mặt hàng nào cũng đội lên, chi tiêu hàng tháng có lẽ lại phải thêm cả triệu đồng, nếu không muốn phải thêm tiền thì lại phải cắt giảm chi tiêu." Nơm nớp nỗi lo sức mua thấp Trong những đợt tăng giá trước đây, nhiều tiểu thương có thể tranh thủ tăng giá sớm kiếm lời thì lần này không thấy có tình trạng đó, thời điểm hiện tại sức mua quá thấp khiến các tiểu thương khá e dè trong việc tăng giá. Anh Nguyễn Hưng, một tiểu thương kinh doanh hàng tạp hóa tại chợ Khương Đình nói: “Làm sao dám tăng giá ngay khi chợ đầy hàng, cửa hàng này phải nhìn cửa hàng kia mà giữ giá hợp lý để thu hút khách vào mua được? Từ hai tháng gần đây sức mua thấp, lượng hàng bán ra đã giảm nhiều nên tôi chẳng dám tăng giá nữa.” Thời gian gần đây mặt hàng thịt lợn bán vốn đã rất chậm vì thông tin thịt lợn có chất tạo nạc, giá liên tục giảm nhưng sức mua vẫn không được cải thiện, đợt tăng giá sắp tới sẽ lại đặt thêm gánh nặng cho mặt hàng này. "Phí vận chuyển tăng, phí giết mổ tăng có thể sẽ khiến thịt lợn tăng giá trong thời gian tới. Trong khi giá giảm từng ngày khách mua hàng còn ít, nếu tăng giá thì không biết lượng khách hàng có tiếp tục giảm không?" Anh Trần Văn Sơn, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn lo lắng nói. Mặt khác, nhiều tiểu thương đã cố gắng cầm cự giữ không tăng giá từ đợt tăng giá xăng, dầu vào tháng 3 vì sức mua quá thấp đến nay cũng không thể duy trì mức giá cũ. Anh Nguyễn Văn Đạt, một tiểu thương chuyên cung cấp hải sản cho các nhà hàng cho biết: "Hai tháng gần đây lượng hàng các nhà hàng tiêu thụ giảm mạnh, có cửa hàng chỉ lấy hàng bằng một nửa, thậm chí một phần ba thời gian trước Tết khiến tôi cũng không dám tăng giá theo đợt tăng giá xăng hồi tháng 3. Thế nhưng, dù muốn hay không thì đợt này chắc vẫn phải tăng vì chi phí đánh bắt sau hai lần điều chỉnh giá xăng đội lên rất nhiều, nên dù nguồn cung đang dồi dào, giá hải sản vẫn phải tăng." Mặc dù đa số những người kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đều không muốn tăng giá vì lo sợ tình trạng sức mua thấp sẽ tiếp tục kéo dài nhưng theo các tiểu thương thì việc tăng giá trong tháng 5 vẫn không thể tránh khỏi.
Theo ông Đỗ Thức-Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thì nếu tăng lương thì nhu cầu người dân sẽ tăng theo. Một khi có quan hệ cung-cầu thì đó sẽ là yếu tố làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lượng tiền lưu thông từ 30/4 sẽ tăng.

“Đợt vừa rồi chỉ số giá tăng nhẹ là do phần xuất khẩu chưa cao làm giá mặt hàng lương thực đang giảm. Ngoài ra, một số mặt hàng thực phẩm như lợn đợt vừa qua có thông tin dùng hóa chất tạo nạc nên có giảm. Nhưng thời gian tới, nếu xử lý tốt, giá lương thực, thực phẩm sẽ không giảm sâu đến thế. Vì thế, CPI thời gian tới sẽ không ở mức 0,05% mà sẽ tăng lên đôi chút,” ông Thức nói./.
Dũng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục