“Xã hội cần chung tay để bảo vệ người tiêu dùng”

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một quá trình, cần sự chung tay toàn xã hội.
Buổi tọa đàm trực tuyến “Đưa Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào cuộc sống,” tổ chức ngày 22/7, tại Hà Nội, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác triển khai thực hiện Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, với việc Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực đi vào cuộc sống kể từ ngày 1/7/2001, người tiêu dùng có thêm cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ quyền lợi  người tiêu dùng, cần phải nâng cao vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Nhà nước phải có chế tài, quy định chặt chẽ đảm bảo tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh tuân thủ đúng quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời, nâng cao chất lượng, vai trò của các hội, tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay nỗ lực của toàn xã hội.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh rằng Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thể hiện ý chí của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ quyền người tiêu dùng, một quyền cơ bản của công dân. Trên thực tế, người tiêu dùng luôn ở vị thế yếu, thực tế cho thấy người tiêu dùng đã đấu tranh để bảo vệ quyền của mình, nhưng thành công còn rất ít, thất bại thì nhiều.

Bên cạnh đó, sự thích ứng của người dân đối với kinh tế thị trường không cao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiệt hại của người tiêu dùng là do khả năng bảo vệ chính mình của người tiêu dùng còn yếu.

Ông Hùng thừa nhận rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi bị xâm hại chưa đạt hiệu quả cao. Hoạt động của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chưa thực sự được như mong muốn của người tiêu dùng do thiếu nguồn nhân lực và kinh phí. Ông hy vọng rằng sự ra đời của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ghi nhận sự hỗ trợ kinh phí nhà nước với hoạt động của Hội có thể tháo gỡ những khó khăn của Hội trong thời gian tới.

Cục phó Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương Nguyễn Phương Nam cho rằng Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt đã và đang tiếp cận tương thích với các tiêu chuẩn quyền quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền người tiêu dùng chưa được đảm bảo là do một phần từ chính sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng và công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật còn chưa tốt.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm cũng đã trả lời những câu hỏi của bạn đọc, người tiêu dùng cả nước về những vấn đề liên quan đến hoạt động bảo vệ thương hiệu Việt, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái; quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu, quản lý giá cả trong lĩnh vực gửi xe..../.

XK (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục