Nhiều giám đốc nhận án tù vì đã buôn lậu gỗ quý

Nguyễn Văn Hòa, nguyên phó giám đốc công ty Kim Lợi và đồng phạm đã phải nhận án tù buôn lậu 103 container gỗ quý qua Trung Quốc.
Ngày 19/4, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu 103 container gỗ quý hiếm qua Trung Quốc do Nguyễn Văn Hòa, nguyên Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Lợi và đồng phạm thực hiện.

Sau khi nghị án, tòa tuyên phạt bị cáo Hòa 16 năm tù về tội “buôn lậu.” Cùng tội danh này, ông Châu Minh Xuyến, nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phim quảng cáo Châu Minh lĩnh án 13 năm tù; hai thuộc cấp của ông Xuyến là Võ Tuấn Hải, nguyên Phó giám đốc và Châu Ơn,  nguyên nhân viên cùng lĩnh mức án 4 năm tù.

Ông Mạc Văn Nguyện, nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Nam Nguyên bị phạt 14 năm 6 tháng tù về tội “buôn lậu.”

Cùng tội danh với bị cáo Nguyện, ông Nguyễn Viết Nam, nguyên nhân viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn - Khu vực I (Cảng Cát Lái) Thành phố Hồ Chí Minh bị phạt 9 năm tù trong khi “đồng nghiệp” của Nam là Nguyễn Thế Văn bị tòa tuyên 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “thiếu tinh thân trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Tòa cũng phạt Nguyễn Văn Bé Nam (làm nghề buôn bán) 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng.”

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xác định Nguyễn Văn Hòa được Duơng Văn Thi, Chủ tịch Hợp tác xã Mỹ nghệ Quế Vinh giới thiệu khách hàng bên Trung Quốc đang muốn thu mua gỗ trắc và cẩm lai.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, đây là những loại gỗ quý, thuộc gỗ nhóm I không được xuất khẩu. Từ gợi ý này, cuối năm 2006 đến đầu năm 2007, Hòa đã thu mua gỗ trắc và cẩm lai trôi nổi trên thị trường, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, sau đó tập kết tại hai kho thuê của Công ty xuất nhập khẩu Lâm nông sản Sài Gòn (Chi nhánh Đồng Nai) và của Tiểu đoàn 79, Quân khu 4 (Bình Dương).

Với thủ đoạn thuê kho của quân đội, dùng lực lượng bốc xếp hàng hóa riêng, không cho lái xe và hạn chế người khác biết thực chất hàng xuất khẩu, mua chuộc cán bộ hải quan, Nguyễn Văn Hòa đã thực hiện việc buôn lậu hơn 1.700 m3 gỗ trắc và cẩm lai (103 container), trị giá 26 tỷ đồng.

Để xuất khẩu số hàng này qua Trung Quốc, Hòa đã tìm gặp Châu Minh Xuyến, thỏa thuận nếu xuất được 1 container gỗ, Hòa sẽ trả cho Xuyến 500 USD. Sau đó Xuyến đã tìm gặp Mạc Văn Nguyện để “nhờ vả.”

Xuyến đã soạn thảo các thủ tục để xuất lậu 103 container gỗ ra nước ngoài cho Hòa, qua đó hưởng lợi hơn 1 tỷ đồng. Xuyến giữ vai trò là đồng phạm tích cực cho Hòa. Mạc Văn Nguyện được Xuyến móc nối và giao cho nhiệm vụ liên lạc với Nguyễn Viết Nam là cán bộ Hải quan cảng Cát Lái để mở 28 tờ hải quan với nội dung không đúng với hàng xuất khẩu để xuất lậu 103 container gỗ.

Nguyện hưởng lợi gần 500 triệu đồng và cũng như Xuyến, Nguyện là đồng phạm giúp sức tích cực cho Nguyễn Văn Hòa. Nguyễn Viết Nam là nhân viên hải quan của cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) đã giúp Nguyện mở 28 tờ khai hải quan nói trên, bỏ qua việc kiểm hóa để nhận từ Nguyện gần 850 triệu đồng.

Làm việc cùng chỗ với Nam, Nguyễn Thế Văn đã không thực hiện việc kiểm hóa 2/28 tờ khai hải quan do nghe Nam nói là chủ hàng quen biết. Hành vi “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của Văn đã giúp Hòa buôn lậu được 8 container trị giá gần 2,3 tỷ đồng.

Võ Tuấn Hải và Châu Ơn được Giám đốc Châu Minh Xuyến phân công thực hiện các công việc đón các xe kéo container, yêu cầu lái xe cất container để lại sau khi bốc hàng xong, bấm scal mới được vào kéo container ra, đón nhân viên khử trùng…

Cả Hải và Ơn, mỗi người được Xuyến trả 9,3 triệu đồng. Nguyễn Văn Bé Nam là người chuyên mua bán gỗ kiếm lời và đã bán cho Nguyễn Văn Hòa 60m3 gỗ trắc và gỗ hương không có giấy tờ xác định nguồn gốc hợp pháp. Hành vi của Nam phạm tội “vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.”

Ngoài ra trong vụ án này còn có một số người liên quan qua lời khai của Nguyễn Văn Hòa, trong đó có Duơng Văn Thi nhưng Cơ quan Điều tra không xác minh được chứng cứ nên không khởi tố hình sự./.

Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục