Người anh hùng hơn 130 lần đột nhập căn cứ địch

Đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Văn Thượng đã dọc ngang khắp các chiến trường miền Nam, với 131 lần đột nhập căn cứ địch.
Những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước hướng về kỷ niệm Đại thắng Mùa Xuân 1975, chúng tôi tìm gặp Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Văn Thượng - người đã dọc ngang khắp các chiến trường miền Nam, cùng đồng đội lập nên những chiến công oanh liệt góp phần làm nên chiến thắng 30/4/1975.

Hơn một phần ba thế kỷ đã trôi qua, những kỷ niệm về chiến trường miền Nam vẫn còn sâu đậm trong tâm trí người anh hùng Hoàng Văn Thượng. Ông đã 131 lần đột nhập căn cứ địch thăm dò tình hình bố phòng rồi tổ chức lực lượng luồn sâu, đánh phá nhiều căn cứ địa chiến lược, gây không ít hoang mang tổn thất cho quân địch.

Trong cuộc đời cầm súng, ông đã tham gia 23 trận đánh lớn nhỏ, diệt 92 tên giặc. Sau mỗi trận đánh, ông đều rút ra bài học kinh nghiệm và cứ thế, những kinh nghiệm dầy dặn đã giúp ông và đồng đội lập được những chiến công xuất sắc.

Ghi nhận những đóng góp của ông, Đảng và Nhà nước đã phong tặng ông danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 14 bằng khen và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Sinh năm 1948 trong một gia đình nghèo, mồ côi cha từ thuở nhỏ, năm 1968, ông Thượng lên đường nhập ngũ, được phân vào Sư đoàn 305 đặc công. Kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời cầm súng của ông là trận đánh vào Chiến đoàn 33 thuộc Sư đoàn 25 quân ngụy năm 1971.

Trận đó, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy một đại đội tấn công Chiến đoàn 33 đóng ở Tây Ninh. Đây là cơ sở có hơn 2.000 quân, với nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, bố phòng cực kỳ cẩn mật. Cơ sở này đã nhiều lần bị đặc công ta tấn công nên địch canh phòng hết sức nghiêm ngặt.

Sau hai đêm đột nhập, nắm được cách bố phòng của địch, ông chỉ huy một mũi quân cắt rào, gỡ mìn, chui vào bên trong. Ông nhẹ nhàng trèo lên nóc nhà, giật cờ của ngụy, cắm cờ của ta vào rồi quay xuống, phát lệnh cho anh em đánh thẳng vào Sở chỉ huy và nhà ngủ của địch. Nhiều tên địch đang say sưa ngủ sau khi nhậu nhẹt chào mừng ngày thành lập “Quân lực Việt Nam cộng hòa”, đã bị ta diệt gọn.

Hoàn thành nhiệm vụ, quân ta rút ra ngoài. Ông Thượng đang trên đường rút, bất ngờ bị một quả lựu đạn nổ ngay bên cạnh, hất văng ra xa, ngất lịm. Khi tỉnh lại, bốn bề là khói lửa, quân ta đã rút hết, ông gắng gượng bò dậy, khắp người đau ê ẩm, sờ lên tai thấy máu ra ướt đầm. Ông Thượng nén hết sức lực cố gắng vượt rào thép gai thoát ra ngoài. Thấy động, địch vãi đạn theo sau như mưa. Một viên đại liên của giặc bắn trúng hông làm ông ngã xuống. Giặc tưởng ông đã chết nên ngừng bắn, ông lại nén đau bò tiếp ra ngoài.

Ra đến nơi, thép gai cào rách đầy mình, vết thương ra nhiều máu, ông gục xuống bãi cỏ. May sao, vẫn còn 2 đồng đội ẩn nấp trong rừng chờ ông. Họ sốc ông lên lưng chạy hút vào cánh rừng trước mặt. Sau này, ông mới biết mình và đồng đội đánh gây thiệt hại nặng chiến đoàn 33 của ngụy, diệt 300 tên giặc, riêng mũi do ông chỉ huy diệt được 120 tên.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Thượng được giao nhiệm vụ chỉ huy 1 tiểu đoàn từ Long An, bí mật lên Sài Gòn đánh vào Trung tâm thông tin Phú Lâm ở quận 6 nhằm cắt đứt thông tin liên lạc, làm tê liệt chỉ huy của địch. Đây là trung tâm thông tin lớn nhất, hiện đại nhất châu Á lúc đó, có nhiệm vụ kết nối thông tin liên lạc khắp trong nước và nước ngoài. Trung tâm này có 800 nhân viên quân sự hoạt động, được đầu tư xây dựng 4 tỷ USD, hết sức kiên cố.

Nhiệm vụ được giao rất khó khăn, phải đưa cả tiểu đoàn gần 120 người vào giữa Sài Gòn khi quân địch đang kiểm soát gắt gao. Ông đã chỉ huy tiểu đoàn hành quân bí mật, đưa đội hình áp sát mục tiêu vào đêm 28/4. Địch canh phòng cẩn mật, đặc công ta phải lội xuống ao để cắt dây thép gai mở đường tiến vào trong. Quân ta đang cắt rào thép bị địch phát hiện, chúng nã súng như mưa xuống hào, 7 chiến sỹ đã hy sinh.

Bị phát hiện, ta buộc phải gọi lực lượng chi viện nã pháo vào trong, nhưng căn cứ của địch quá kiên cố, đánh 1 ngày đêm vẫn chưa chiếm được. 9h ngày 30/4, ông Thượng đề ra kế hoạch táo bạo, tổ chức một nhóm 20 chiến sỹ cảm tử dũng mãnh đánh thẳng vào cổng chính, xông vào Sở Chỉ huy, bắt sống chỉ huy địch, chiếm toàn bộ Trung tâm thông tin Phú Lâm. Vừa lúc đó, trên Đài phát thanh thông báo Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng.

Đất nước sạch bóng thù, hòa bình, thống nhất, năm 1977, ông Thượng lại sang Campuchia giúp nhân dân nước bạn đánh giặc. Năm 1979, chiến tranh biên giới, ông trở về quê hương chiến đấu rồi chuyển công tác về Tỉnh đội Cao Bằng.

Năm 2004, ông là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và nghỉ hưu năm 2005. Hai năm sau, ở cái tuổi lục tuần, nhiều đồng đội đã được nghỉ ngơi dưỡng già, ông lại nhận trọng trách Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Cao Bằng, cùng đồng đội chiến đấu trên mặt trận mới: mặt trận xây dựng tổ chức hội, giúp cựu chiến binh chiến đấu chống “giặc nghèo."

Ông cùng với Hội cựu chiến binh tỉnh, các cơ quan, đoàn thể xóa 541 nhà dột nát cho cựu chiến binh, giảm tỷ lệ hộ cựu chiến binh nghèo từ 17% xuống còn 11%. Ông luôn động viên anh em phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vươn lên trong cuộc sống, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Dù ở cương vị nào, ông vẫn luôn giữ vững phẩm chất người đảng viên, người lính, gương mẫu trong mọi hoạt động, được đồng đội và nhân dân kính trọng, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo./.

Quốc Đạt (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục